Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhận diện khó khăn đặc thù của những dân tộc rất ít người: Giảm nghèo bền vững là thách thức lớn (Bài 2)

Cù Hương - Sỹ Hào - 10:45, 05/11/2023

Cộng đồng các DTTS rất ít người chủ yếu sinh sống ở những điểm “lõi” của vùng nghèo cả nước. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo cao là mẫu số chung của nhiều DTTS có dân số dưới 10.000 người. Mặc dù, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đã được triển khai, nhưng công tác giảm nghèo bền vững ở cộng đồng các DTTS rất ít người vẫn đang là một thách thức lớn.

Tỷ lệ nghèo cao

Tại Tờ trình số 1787/TTr-UBDT ngày 21/12/2020 về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2020, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành, triển khai thực hiện theo 3 nhóm: Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) theo vùng, địa bàn; nhóm chính sách theo ngành, lĩnh vực và nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc. Đối với nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc thì chủ yếu thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với các DTTS rất ít người để tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách ở những cộng đồng dân tộc có dân số dưới 10.000 người.

“Nhìn chung vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi”, UBDT nhấn mạnh trong Tờ trình số 1787/TTr-UBDT.

Tuy nhiên, UBDT cũng khẳng định, đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất, KT – XH chậm phát triển, đời sống của đồng bào các DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn đang là một thách thức lớn, nhất là ở một số cộng đồng DTTS rất ít người.

Giai đoạn 2016 – 2020, các nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc chủ yếu thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với các DTTS rất ít người. (Trong ảnh: Đường vào làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm)
Giai đoạn 2016 – 2020, các nhóm chính sách theo dân tộc, nhóm dân tộc chủ yếu thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với các DTTS rất ít người. (Trong ảnh: Đường vào làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm)

Tờ trình số 1787/TTr-UBDT ngày 21/12/2020 của UBDT nêu rõ, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, trong 53 DTTS thì có 24 DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%. Trong đó có 22 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 53 DTTS và 15 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của các DTTS, trong đó có nhiều DTTS có dân số dưới 10.000 người. Đơn cử như các dân tộc: Mảng (66,3%), Chứt (60,6%), Ơ Đu (56,7%), Cống (54,0%), Pà Thẻn (50,2%), La Ha (48,8%),…

Tỷ lệ nghèo ở nhiều cộng đồng DTTS rất ít người tiếp tục gia tăng sau khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Đơn cử như dân tộc Mảng (dân số 4.650 người), theo kết quả rà soát của tỉnh Lai Châu, hết năm 2021, số hộ nghèo dân tộc Mảng đã tăng lên thành 75,26% (tương ứng với là 785 hộ), chiếm 2,36% tổng số hộ nghèo các DTTS và chiếm 2,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Nỗ lực tạo đột phá

Thực trạng nghèo ở các DTTS rất ít người đã và đang là một bài toán đặt ra đối với các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi từ nhiều năm nay, bên cạnh các chính sách chung dành cho vùng thì Trung ương, các địa phương cũng đã ban hành, triển khai thực hiện các chính sách đặc thù để phát triển KT – XH ở địa bàn các DTTS rất ít người, với nguồn lực được bố trí từ ngân sách là không hề nhỏ.

Có thể kể đến Đề án phát triển KT - XH vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được triển khai thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Trong 8 năm (2013 – 2020), ngân sách Trung ương đã cấp hơn 503 tỷ đồng cho 3 tỉnh để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, thuỷ lợi, cầu treo…; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm…

Nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã giúp đồng bào các DTTS rất ít người bảo tồn văn hóa truyền thống, tuy nhiên, việc giảm nghèo bền vững đang là một thách thức lớn. (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Mảng với nghề may thêu truyền thống )
Nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã giúp đồng bào các DTTS rất ít người bảo tồn văn hóa truyền thống, tuy nhiên, việc giảm nghèo bền vững đang là một thách thức lớn. (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Mảng với nghề may thêu truyền thống )

Hay với dân tộc Brâu (hiện có 525 khẩu, sinh sống tập trung tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) và dân tộc Rơ Măm (hiện có 639 khẩu, sinh sống tập trung tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cũng được thụ hưởng chính sách riêng từ “Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, ngày 30/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện Đề án là 159,259 tỷ đồng; trong đó, kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ phát triển cho dân tộc Brâu là 68,376 tỷ đồng, dân tộc Rơ Măm là 90,883 tỷ đồng…

Để tạo đột phá trong giảm nghèo cho các DTTS rất ít người, với quyết tâm chính trị “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khi xây dựng đề cương Đề án Tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019), Ban soạn thảo đã xây dựng dự án riêng dành cho các DTTS rất ít người. Trong Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, chính sách dành cho các DTTS rất ít người thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9.

Mục tiêu của Tiểu dự án 1 là giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng. Một nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 1 là hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, với những giải pháp rất cụ thể. Bởi năng lực sản xuất còn hạn chế là một trong những khó khăn đặc thù của các DTTS rất ít người.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.