Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Nghèo đói dần lùi xa (Bài 1)

Tào Đạt - 07:06, 08/12/2023

Nằm ở vùng biên viễn Lai Châu là nơi sinh sống của một số dân tộc có số dân dưới 10.000 người như Cống, Mảng, Si La và Lự. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí hạn chế, đã từng có một thời, đồng bào các dân tộc nơi đây sống trong cảnh đói nghèo, do cuộc sống chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Để giúp đồng bào thoát cảnh nghèo khó, nhiều chính sách của Đảng, nhà nước; trong đó có cả những chính sách đặc thù, đã được triển khai đầu tư, hỗ trợ đồng bào, Nhờ vậy, đời sống đồng bào nơi đây đã dần đổi thay một cách tích cực.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo
Bản Nậm Xuống của đồng bào dân tộc Mảng (xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nay đã khác xưa, bà con không còn đói kém vào mùa giáp hạt

Bản làng đang đổi thay

Còn nhớ vào thời điểm trước năm 2021, gia đình ông Lò A Sang, dân tộc Mảng ở bản Nậm Xuống, xã Vàng San, huyện Mường Tè, vẫn còn là một trong những hộ nghèo thuộc diện "bền vững" của bản, bởi cuộc sống của 4 nhân khẩu trong gia đình vỏn vẹn trông  vào ít ruộng nương cấy một vụ. Ông Sang bảo, nghèo là phải, vì cuộc sống của gia đình, và các hộ trong bản Nậm Xuống gắn liền với nhiều cái “không” như không điện, không nước sinh hoạt... 

"Trước kia đường sá rất bẩn, nhà tranh vách nứa rất khó khăn, so với ngày trước thì bây giờ cũng tạm ổn. Nhờ chính quyền giúp đỡ và tuyên truyền, bà con đã đẩy mạnh chăn nuôi, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng.Về kinh tế trước kia làm nhiều nhưng sản phẩm ít, bây giờ mình chăm sóc được nên sản lượng cao hơn và thu nhập cũng cao so với trước. Bà con cũng không còn tình trạng đói ăn vào mùa giáp hạt”, ông Lò A Sang nói.

Cũng từ sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông Sang đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong, chăn nuôi trâu bò và cải tiến kĩ thuật canh tác lúa nước, mà gia đình đã có nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. "Gia đình đã thoát nghèo rồi, không ngờ sau bao năm đói nghèo, giờ gia đình lại có được cuộc sống đầy đủ như vậy", ông Sang phấn khởi nói.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 1
Đồng bào Mảng ở bản Nậm Xuống được nhận bò giống từ nguồn ngân sách thực hiện Chương trình MTQG 1719

Bản Nậm Xuống, xã Vàng San là nơi sinh sống của hơn 78 hộ, 455 nhân khẩu là đồng bào Mảng. Ông Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San (huyện Mường Tè) cho biết, nói về tình cảnh nghèo đói của người Mảng ngày trước, thì chẳng biết diễn tả thế nào. Nhà họ không có vật dụng đáng giá. Trong các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo trước đây, thậm chí họ chẳng có cái gì trong bộ tiêu chí để mà đánh giá.

“Tuy nhiên, những năm qua, vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã nói chung và cộng đồng dân tộc Mảng nói riêng. Đặc biệt, phải kể đến việc thực hiện Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), địa phương đã có thêm nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào. Trong đó, địa phương đã tăng cường hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi và đầu tư để tu sửa lại các cơ sở hạ tầng xuống cấp”, ông Lò A Chu nói.

Trước kia, dân tộc Si La tại xã Can Hồ (huyện Mường Tè) cũng sống gần như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp với tập quán sản xuất truyền thống là chọc lỗ tra hạt, nên năng suất cây trồng không cao, đời sống bấp bênh, đói nghèo bủa vây.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 2
Bà Hù Cố Xuân là nghệ nhân dân gian, cũng là Người có uy tín trong cộng đồng người SI La ở Kan Hồ

Bà Hù Cố Xuân (73 tuổi, dân tộc Si La trú tại xã Can Hồ) vẫn nhớ như in, cách đây khoảng 15-20 năm, người dân ở bản chỉ “thạo” nhất việc vào rừng đào củ mài, củ sắn. Người dân đói nghèo lắm. Cả bản không người nào biết chữ, tiếng phổ thông thì chỉ vài người bập bõm. Cuộc sống của người Si La ngày đó cơ cực. "Tuy nhiên, người dân Si La ở Can Hồ giờ khá hơn xưa rồi. Hiện tại, hầu hết gia đình nào cũng xây dựng được nhà kiên cố, nhiều hộ còn mua sắm được các vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy".

Chính gia đình bà Hù Cố Xuân cũng vươn lên thoát nghèo và hiện đã no đủ với mức thu nhập bình quân hằng năm khoảng 70-80 triệu đồng. Bà Xuân còn cương quyết nộp đơn xin thoát nghèo để nhường lại hỗ trợ cho các gia đình khác.

Theo ông Trần Thanh Đạm, Chủ tịch UBND xã Can Hồ, tỷ lệ hộ nghèo theo khung chuẩn nghèo đa chiều của xã vẫn ở mức khá cao là 50,38 %. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người dân Si La hiện nay có thay đổi lớn trong tư duy đến nhận thức. Đồng bào đã thoát ra khỏi tư tưởng trông đợi vào các chế độ chính sách của Nhà nước và thực sự có ý chí trong việc làm ăn.

"Nhiều hộ còn xin thoát nghèo, không phải vì các hộ khá giả, mà họ đã có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình", ông Đạm cho hay.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 3
Để giúp đồng bào Si La vươn lên, nhiều lớp truyền dạy kỹ thuật sản xuất đã được Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu mở ra

Người Cống ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) cũng đã từng ngày đổi thay tư duy, nhận thức, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Tiêu biểu cho ý chí vươn lên thoát nghèo có gia đình anh Chảo Văn Hương ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao. 

Trước đây, 6 nhân khẩu trong gia đình anh Hương chỉ trông chờ vào một ít đất nương trồng lúa, ngô, nên đói nghèo đeo đẳng. Năm 2018, được chính quyền địa phương về vận động, hướng dẫn cách làm kinh tế, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ cần mẫn chăm chỉ, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh đã có 5ha quế, gần 10 con trâu, bò, hơn 3.000m2 ao thả cá... với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

"Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà nay tôi có của ăn, của để. Trước kia, gia đình còn phải trông chờ vào nguồn cứu trợ gạo giáp hạt của Nhà nước, nên giờ thoát nghèo được là tôi mừng lắm", anh Hương xúc động nói.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 4
Người Cống ở Nậm Khao đoàn kết giữ gìn văn hóa dân tộc mình

Được biết, người Cống ở Lai Châu tập trung nhiều nhất ở 2 xã Nậm Khao, Can Hồ (huyện Mường Tè) và xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Tại Nậm Khao, người Cống chiếm hơn 60% dân số, với gần 270 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở 2 bản Lãng Phiếu và Xám Láng. Để cuộc sống của bà con người Cống bớt khó khăn, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Khao đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, bà con có thêm điều kiện để giao thương hàng hóa, nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe, từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần.

Theo Phó Chủ tịch xã Nậm Khao Lò Văn Hạnh, nhờ có nguồn lực từ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà bộ mặt của địa phương đã có nhiều đổi thay, trên địa bàn cũng đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Hiện, xã cũng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới...

"Cuộc sống của Nhân dân đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đồng bào đã hăng hái tập trung phát triển kinh tế, góp phần phát triển xã nhà cũng như dân tộc Cống nói riêng ngày càng phát triển", ông Sơn cho biết.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 5
Đời sống bà con người Cống nay đã khác xưa

Phát triển du lịch cộng đồng đem lại hiệu quả lớn

5 năm trở về trước, bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, còn đắm chìm trong khó khăn, với 100% các hộ dân đều thuộc diện đói nghèo. Thế nhưng, nhờ chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của chính quyền địa phương, bản Thẳm đang từng ngày “thay ra đổi thịt”, với cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn.

Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo
Bản Thẳm chuyển mình nhờ du lịch

Ông Lò Văn Ón, Bí thư Chi bộ bản Thẳm chia sẻ: "Bản là nơi sinh sống của hơn 40 hộ, gần 200 nhân khẩu là đồng bào Lự. Trong bản có 100% hộ gia đình người Lự tham gia các hoạt động văn hóa của dân tộc, gắn với du lịch cộng đồng. Từ khi có khách du lịch về bản, cuộc sống của bà con cũng ổn định hơn. Đón khách du lịch xong rồi có hàng hóa để buôn bán nhỏ lẻ, nên sự phát triển nó cũng ổn định hơn".

Gia đình ông Vàng Văn Phát (trú tại bản Thẳm), từng là một trong những hộ nghèo nhất bản. Trước đây, cuộc sống của 5 nhân khẩu trong gia đình chỉ trông chờ vào ít ruộng nương trồng cấy một vụ và phụ thuộc vào sức khỏe của hai vợ chồng trong những chuyến đi rừng. Nhưng hiện tại, nhờ hưởng ứng thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chính sách hỗ trợ làm du lịch cộng đồng của chính quyền địa phương, gia đình đã trở thành hộ khá giả ở bản.

Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 1
Nhờ có du lịch mà đời sống bà con dân tộc Lự đã đổi thay

“Nhờ những tuyên truyền và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG 1719; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 - PV), bà con giờ đây đã tích cực tăng gia sản xuất, cùng với làm du lịch nên cuộc sống đã bớt vất vả hơn”, ông Vàng Văn Phát tâm sự.

Theo ông Lò Văn Giọt, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon, huyện Tam Đường, địa bàn xã có 8 bản với gần 600 hộ, hơn 2.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào Lự chiếm hơn 90%. Để bà con dân tộc Lự có cuộc sống tốt hơn, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động bà con mở rộng diện tích lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn xã có gần 550ha diện tích lúa, gần 500ha cây trồng các loại như: chè, mắc ca, thảo quả, cây ăn quả và đàn gia súc hơn 1.500 con.

Xã Bản Hon hướng tới là phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Đến nay, xã có 4 bản người Lự làm du lịch, với hơn 20 hộ kinh doanh homestay. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách, xã đã phục dựng, bảo tồn nhiều nghi lễ, nghề thủ công truyền thống tại các bản làng. Nhờ đó, nhiều hộ không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn hơn 25% năm 2023.

(Bài Chuyên đề Dân tộc KKĐT) Đổi thay của những dân tộc rất ít người tỉnh Lai Châu - Bài 1: Đi lên từ đói nghèo 2
Nhiều hộ gia đình dân tộc Lự làm giàu nhờ kinh doanh dịch vụ homestay

"Dân tộc Lự hiện cơ bản đã bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu. Xã cũng cố gắng giúp bà con duy trì những phong tục, tập quán, những nét văn hóa riêng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con Nhân dân phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo ra những sản phẩm tốt, đảm bào có thương hiệu. Để khi mà giao thông thuận lợi trong đi lại thì việc giao thương hàng hóa, cũng như là việc làm dịch vụ, rồi đi lại của bà con nhân dân được thuận lợi hơn", ông Lò Văn Giọt cho hay.

Một điều vui mừng là tuyến đường giao thông nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai từ Lai Châu chạy qua hầu hết các bản làng người Lự tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường đang dần hình thành. Đây là cơ sở giúp bà con dân tộc Lự tiếp tục vươn lên thoát nghèo, trong đó có cả việc phát triển du lịch cộng đồng, từ đó mở ra cuộc sống ấm no.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.