Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Chuyện người La Hủ nơi cuối trời Tây Bắc: Cần chính sách dài hơi để phát triển dân tộc La Hủ bền vững (Bài 3)

Thúy Hồng - 05:55, 14/12/2023

Không chỉ cải thiện về đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo mà từ các chính sách đầu tư đặc thù, chất lượng dân số đồng bào La Hủ đã có bước phát triển tích cực. Từ dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người, dân tộc La Hủ đã phát triển lên trên 12 ngàn người, ra khỏi danh sách nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227. Tuy nhiên, để nâng cao đời sống đồng bào La Hủ, không chỉ dựa vào dân số đã tăng hơn để giảm chính sách, mà cần xem xét toàn diện các điều kiện sống của đồng bào với các dân tộc khác, để từ đó có chính sách mới, dài hơi phát triển dân tộc La Hủ bền vững.

Từ các chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước, đời sống của đồng bào La Hủ đã có bước khởi sắc
Từ các chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước, đời sống của đồng bào La Hủ đã có bước khởi sắc

Gia tăng dân số

Người La Hủ sống tập trung tại 5 xã (Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở và Nậm Khao) của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Theo số liệu điều tra dân số ngày 01/3/1960, dân tộc La Hủ có 2.477 người, đến cuộc Tổng điều tra dân số 01/10/1979, có 4.270 người và cuộc Tổng điều tra dân số ngày 01/4/1989, có 5.319 người. 

Giai đoạn 2010-2019, dân tộc La Hủ có dân số dưới 10.000 người, và là một trong số 4 dân tộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án riêng để phát triển bảo tồn theo Quyết định 1672 ngày 26/9/2011 phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, Cống, Ha Hủ, Cờ Lao”. Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025. Theo kết quả điều tra kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2019, hiện, dân tộc La Hủ ở Lai Châu có 2.952 hộ dân, 12.113 nhân khẩu.

Từ các chính sách hỗ trợ, đời sống đồng bào các dân tộc La Hủ bước đầu đã có sự khởi sắc. Dân số có sự gia tăng đáng kể. Đơn cử như tại xã Pa Ủ, dân số La Hủ có sự gia tăng tích cực. Theo cuốn lịch sử xã Pa Ủ thì năm 1962, toàn xã có 96 hộ, 701 nhân khẩu, đến năm 1992, dân số tăng gấp đôi, có 1.440 nhân khẩu. Hiện nay (2021), toàn xã có 859 hộ với 3.601 nhân khẩu, trong đó dân tộc La Hủ chiếm 98%.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, Đao Văn Thức, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được các cấp chính quyền quan tâm chăm lo. Hằng năm, trạm y tế tổ chức khám và điều trị cho hàng nghìn lượt người (trong năm 2020 đã khám chữa bệnh cho 2.499 lượt người).

 Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì đều đặn ở tất cả các bản, trong đó có 8 bản tiêm chủng thường xuyên và 3 bản tiêm chủng định kỳ; hằng năm tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi. Nhân dân trong xã đã chú ý hơn tới việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống như ăn sạch uống sạch, ăn chín uống sôi, làm các công trình vệ sinh...

Thể trạng, tầm vóc của đồng bào La Hủ ngày càng được cải thiện
Thể trạng, tầm vóc của đồng bào La Hủ ngày càng được cải thiện

Được biết, để nâng cao chất lượng dân số của dân tộc La Hủ, ngành y tế huyện đã chú trọng tuyên truyền về chính sách dân số theo hướng đổi mới, trọng tâm đến từng đối tượng, lứa tuổi. Thành lập và phát huy vai trò của các câu lạc bộ về công tác dân số như: “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”, “Câu lạc bộ kế hoạch hóa gia đình”...; Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua, tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng tầm vóc, tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đổi mới nội dung, chương trình phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường.

Theo đó, chất lượng dân số của đồng bào La Hủ ngày càng được cải thiện, tỷ lệ tảo hôn giảm đáng kể. Theo báo cáo của UBND huyện Mường Tè, năm 2021 dân tộc La Hủ chỉ có là 16 cặp tảo hôn/150 cặp kết hôn, không còn kết hôn cận huyết thống.

Thể trạng tầm vóc của đồng bào La Hủ đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo thực trạng kinh tế-xã hội về đồng bào Mảng, La Hủ của UBND huyện Mường Tè năm 2021 thì,  chiều cao, cân nặng trung bình của nam dân tộc La Hủ cao 1,62cm, cân nặng 58 kg; nữ cao 1,55cm, cân nặng 48kg. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng là 311/1.462 tổng số trẻ.

Từng bước nâng cao trình độ dân trí

Trong quá khứ, phụ nữ dân tộc La Hủ thường không được đi học. Họ thường được xem là người chăm sóc gia đình và làm các công việc nội trợ khác. Trong khi đó, nam giới được ưu tiên học hành để có thể giúp đỡ cho việc làm trong nông nghiệp, các hoạt động khác của cộng đồng. Do trình độ dân trí thấp, dân cư sống không tập trung; thiếu đất canh tác; thiếu vốn sản xuất; đông người ăn theo; mắc các tệ nạn xã hội như sử dụng thuốc phiện, nghiện rượu, không biết cách làm ăn…

Con em đồng bào La Hủ đã được học hành đầy đủ
Con em đồng bào La Hủ đã được học hành đầy đủ

Theo thống kê, năm 2019, tỉ lệ mù chữ của người La Hủ tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu ở ngưỡng cao, khoảng 65%. Do đó Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình giáo dục và đào tạo để cải thiện tình trạng này. Trong đó, một số chương trình giáo dục được triển khai như Ngôi nhà chung của UNESCO, chương trình Giáo dục cho người dân tộc thiểu số, chương trình các lớp học bổ túc, trường sau giáo cấp đồng bào để giúp trẻ em La Hủ tại Mường Tè và các khu vực khác có cơ hội học tập và phát triển.

Ông Lý Văn Khung, Trưởng phòng Dân tộc Mường Tè cho biết: Từ các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc La Hủ đời sống Nhân dân từng bước dần ổn định. Trình độ học vấn và tỷ lệ cán bô công chức là người dân tộc La Hủ đã gia tăng đáng kể, người dân bước đầu đã dựa vào các tiềm năng lợi thế của địa phương tạo ra vùng sản xuất như quế, riềng tại xã Bum Tở, cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và đặc biệt đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Pa Vệ Sủ, Tá Bạ.

Người dân đã biết phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt để xóa đói, giảm nghèo
Người dân đã biết phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt để xóa đói, giảm nghèo

Đặc biệt, nhiều con em dân tộc La Hủ đã có trình độ đại học, cao đẳng tham gia vào hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở cơ sở. Số lượng công chức, viên chức cấp huyện là người dân tộc La Hủ chiếm 3,12 %. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã là dân tộc La Hủ là 38/283 người, chiếm 13,42% so với cán bộ, công chức cấp xã. Chất lượng cán bộ, công chức là người dân tộc dân tộc La Hủ có trình độ Đại học 21, cao đẳng 03, trung cấp 18;Lý luận chính trị: Cao cấp 01, trung cấp 31. Toàn huyện có 2.883 lao động được qua đào tạo nghề dưới 3 tháng và sơ cấp nghề trở lên, chiếm tỷ lệ 36,7%, bằng 13% so với tỷ lệ trung bình của cả huyện.

Cần chính sách mới, dài hơi

Với những nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước để bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc về mọi mặt. Từ cuộc sống du canh du cư, người La Hủ đã an cư, đã biết làm ăn, phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện trình độ dân trí… thoát ra khỏi nhóm danh sách các dân tộc có dân số dưới 10.000 người.

Mặc dù, đã được đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tâng, quan tâm chăm lo về mọi mặt. Tuy nhiên, do các bản làng của người La Hủ đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên đời sống của đồng bào La Hủ vẫn còn rất nhiều khó khăn so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tỷ lệ mù chữ cao, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Theo điều tra năm 2021, của huyện Mường Tè, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào La Hủ là 15,9 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Lý Văn Khung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Tè, các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã tác động đến tất cả mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của người dân, song do nguồn kinh phí có hạn, đối tượng thụ hưởng lớn, định mức hỗ trợ thấp, bình quân giữa các vùng, các dân tộc nên chưa đủ lực để đưa dân tộc La Hủ vươn lên thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Đặc biệt, chất lượng sống ở mức thấp, những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như (ăn, ở, mặc) không đảm bảo; nhà ở đa số tạm bợ, diện tích sử dụng nhỏ; số lượng, chất lượng bữa ăn không đảm bảo; dịch bệnh thường xuyên xảy ra; việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng ở các bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều hạn chế.

Tỷ lệ học sinh dân tộc La Hủ bỏ học, đi học chưa đúng độ tuổi còn cao, nhận thức còn chậm, thiếu tự tin, ngại giao tiếp dẫn đến đến chất lượng giáo dục còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng tảo hôn xảy ra trong các bản làng...

Ông Hoàng Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân tộc Lai Châu cho biết: Những năm qua từ các chính sách đặc thù đầu tư phát triển dân tộc La Hủ, đời sống của người dân đã được nâng cao. Mặc dù, dân số của dân tộc La Hủ đã gia tăng, tuy nhiên, dân tộc La Hủ sinh sống ở vùng lõi nghèo của tỉnh Lai Châu, đời sống còn nhiều khó khăn. Mức thu nhập của đồng bào La Hủ vẫn còn rất thấp so với các dân tộc khác.

Triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 9 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi), dân tộc La Hủ đã không còn nằm trong nhóm 14 dân tộc được đầu tư theo Dự án của các dân tộc có khó khăn đặc thù do có dân số trên 10.000 người.

“Việc không còn được đầu tư các chính sách dành cho dân tộc có khó khăn đặc thù, ít nhiều sẽ bị giảm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc La Hủ. Do vậy, mong muốn của đồng bào La Hủ và chính quyền địa phương, là các bộ ngành Trung ương liên quan xem xét, rà soát các chính sách hỗ trợ đối với các dân tộc còn nhiều khó khăn như dân tộc La Hủ, thì ngoài tiêu chí dân số (dù đã phát triển hơn), cần mở rộng thêm các tiêu chí để xác định nhóm dân tộc còn có khó khăn đặc thù để bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ trên địa bàn Lai Châu; cũng như những dân tộc rất ít người khác", ông Hoàng Bình Nhưỡng kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.