Xa rồi cuộc đời du cư
Trưởng bản Pờ A Le bùi ngùi nhớ lại, gần 20 năm trước người dân tộc La Hủ vẫn quen cuộc sống du canh, du cư, quanh năm chỉ có 2 mùa no đói. Thế rồi, năm 1997, Nhà nước đã đầu tư đưa 33 hộ đồng bào sống tản mát trong vùng rừng về lập nên bản Sín Chải B. Lập bản mới, Nhà nước lại đầu tư cho dân khai phá hơn 10 ha ruộng bậc thang trồng lúa.
Cái đói cơm thì đã bị đẩy lùi, nhưng sinh kế để giúp người dân không chuyển đi khi thấy mái lợp nhà ngả màu vàng phải nhờ vào cây thảo quả. Con đường cây thảo quả đến với các hộ đồng bào nơi đây cũng thật tình cờ, đó là con đường làm thuê.
Trưởng bản Pờ A Le cho biết thêm, khi mới lập bản vẫn nghèo, thanh niên hết mùa gặt rủ nhau đi làm thuê hái thảo quả của người Hà Nhì. Thấy “được ăn”, trưởng bản xin lấy tiền công bằng thảo quả tươi, đem về ươm trồng.
Những ngày ươm giống với các hộ đồng bào La Hủ thật sự là một thử thách, vì 3 năm làm giống, 6 năm trồng cây mới được quả. Nhưng tất cả các hộ nơi đây đã bàn nhau không bán quả non, thiếu tiền thì đi kiếm rễ cây thuốc, tam thất về bán, còn thảo quả phải để làm giống cho bà con. Cái “nghị quyết” của nhóm người tiên phong được thực hiện nghiêm ngặt, lứa quả đầu để làm giống chia cho mọi nhà trong bản ươm trồng tiếp. Rừng thảo quả ở bản Sín Chải B ra đời như thế.
Giờ đây, bản có bao nhiêu thảo quả đến trưởng bản cũng không tính hết được, nhưng nhà nào cũng có “ăn cùng chung, ai cũng phải có”. Nhà nhiều năm thu 6 - 7 trăm cân, nhà ít cũng trăm cân. Mỗi cân thảo quả có giá từ 60 - 80 nghìn đồng. Những năm tới, số hộ thu cả tấn thảo quả có lẽ cũng “nhiều nhiều đấy”. Cũng nhờ thảo quả mà có tiền, có ước muốn cái xe máy chạy thay đôi chân, phải mở rộng con đường lên bản...
Gặp triệu phú của người La Hủ
Khi được hỏi về người giàu nhất bản, trưởng bản Pờ A Le trả lời ngay, đó là gia đình người nghèo nhất bản trước đây - gia đình anh Pờ Lòng Xá. Theo sự chỉ dẫn của trưởng bản, chúng tôi đã lặn lội vào rừng tìm gặp anh triệu phú này. Phải mất gần 1 tiếng đi bộ trong rừng nữa chúng tôi mới gặp được Pờ Lòng Xá, vì cả gia đình đang đi thu hoạch thảo quả.
Ngừng tay giây lát, Pờ Lòng Xá trải lòng: Nhà Xá ngày xưa nghèo lắm. Năm Xá lên 9 tuổi, mẹ chết. Năm 15 tuổi, bố cũng đi theo mẹ. Tuổi thơ Xá, cả năm đếm chỉ được mấy bữa cơm, vì “hồi bé thèm cơm lắm”, bữa ăn chỉ có sắn, củ rừng, thậm chí măng ăn thay củ… "Nhiều lúc đói quá phải vượt rừng sang nhà gần đó xin ăn”, Xá kể. Món ăn Xá nhớ nhất và sợ nhất, sợ đến tận bây giờ là món củ nâu. Loại củ ở dưới xuôi vẫn dùng để nhuộm vải, khi đói, anh em Xá phải đi đào ăn thay sắn. Củ nâu mang về thái nhỏ ngâm nước, luộc bỏ nước vài lần rồi mới ăn mà vẫn chát, đắng. Năm 18 tuổi, Xá có vợ: “Nó thương thì về ở với mình chứ không cưới”.
Thế rồi, cuộc đời của anh chàng mồ côi ấy đã rẽ sang một bước ngoặt khác, nhờ cây thảo quả. Ngày ấy nghèo, Xá cùng anh em đi làm thuê hái thảo quả cho người Hà Nhì. Người Hà Nhì gần gũi và thương người La Hủ, thường khi đói vẫn xin nhau được. Mấy người Hà Nhì bảo “ăn được đấy, lấy về mà trồng”. Lúc trả tiền công, anh em Xá xin chuyển một phần sang lấy thảo quả tươi làm giống, người chủ vườn đồng ý ngay, lại dạy cách trồng, cách chăm. Gần 10 năm theo cái cây, cũng đến ngày nó cho quả, đất tốt “quả to hơn ở nương người Hà Nhì”.
Thu được gần 10 bao quả tươi, chỗ quả ấy sấy khô bán phải 10 triệu đồng, đời Xá, cả bao anh em chưa bao giờ có nhiều tiền thế. Bà con trong bản xem, ai cũng muốn “xin”. Nghĩ tiền cũng thèm, nhưng nhớ “lúc bé, đói, xin ăn chúng nó, chúng nó cũng đói mà vẫn cho mình”, nên Xá không nghĩ đến chuyện bán nữa mà để cho bà con.
Giờ Xá giàu nhất bản, con Xá cũng học cao nhất bản. Nhà Xá có 8 con trâu, 11 con bò, còn thảo quả có đến cả ngàn gốc. Năm nhiều, gia đình Xá thu 6 - 7 trăm cân, năm mất mùa cũng thu 4 trăm cân. Anh nằm trong số những người mà tới đây có thể thu cả tấn quả khô mỗi năm.
Chúng tôi chia tay với Sín Chải khi mặt trời lặn dần nhuộm vàng cả dòng suối Nậm Sì Lường, nhưng hình ảnh những chùm thảo quả đỏ mọng cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Cuộc sống của những người La Hủ vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của những người dân nơi đây, chắc chắn đồng bào La Hủ sẽ có một cuộc ấm ổn định sung túc.