Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Con đường thoát nghèo của Lý Sèo Phù

Phạm Văn Phú - 15:46, 17/10/2021

Chọn một lối sống tích cực, đề ra mục tiêu và tìm mọi cách vượt lên hoàn cảnh khó khăn để xây dựng một cuộc sống ấm no hơn, đó là con đường anh Lý Sèo Phù, dân tộc Mông, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã lựa chọn.

Anh Lý Sèo Phù (áo xanh bên trái) bên chuồng nuôi trâu nhốt của gia đình
Anh Lý Sèo Phù (áo xanh bên trái) bên chuồng nuôi trâu nhốt của gia đình (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19)

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn, trải qua bao đời, gia đình anh Phù phải chịu cảnh đói ăn khi giáp hạt. Không cam chịu cảnh đói nghèo, anh Phù luôn trăn trở, suy nghĩ tìm phương cách để tăng thu nhập cho gia đình từ trên chính mảnh đất của quê hương mình?

Quê hương Thanh Thủy nơi anh Phù sinh ra chủ chu yếu là đồi núi cao, địa hình chia cắt mạnh, chỉ canh tác được một vụ lúa trong năm do phải lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Từ thực tế khó khăn đó, anh Phù suy nghĩ, muốn tăng thu nhập cho gia đình thì phải đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc. Nhưng để phát triển chăn nuôi thì phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu, gia đình mình nghèo, lấy đâu ra vốn?

Sau khi bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được hỗ trợ vay vốn để đầu tư chăn nuôi, năm 2017, gia đình anh Phù được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp, làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vị Xuyên với số tiền 75 triệu đồng. Anh Phù dùng vốn vay này đầu tư mua 3 con bê hết 50 triệu đồng. 25 triệu còn lại, anh đầu tư làm chuồng trại, trồng 0,5 ha cỏ làm thức ăn chăn nuôi và mua thêm lợn nái về nuôi giống.

Sau gần 1 năm, anh Phù bán 3 con bò được gần 110 triệu đồng. Từ số này, anh Phù tiếp tục đầu tư mua 4 con bê, 1 con trâu giống và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà thả đồi. Cuối năm 2018, số tiền thu được từ chăn nuôi bò, lợn và gà thả đồi, anh Phù đã trả hết nợ ngân hàng và còn dư trên 200 triệu đồng.

Cũng trong năm 2018, tận dụng nguồn nước suối chảy gần nhà, anh Phù đã cùng gia đình và thuê nhân lực đào được trên 2.500 mét vuông ao thả cá. Các loại cá được anh Phù nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, các rô phi, cá chép, cá mè hoa… 

Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình anh Phù thu về khoảng trên 400 triệu đồng tử chăn nuôi, sau khi trừ mọi chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng. Ngoài phát triển chăn nuôi tổng hợp, gia đình anh Phù còn trồng gần 2 ha ngô và lúa một vụ để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

Nói về bí quyết phát triển chăn nuôi thành công, anh Phù cho rằng, cần phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Nhận xét về anh Lý Sèo Phù, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy- Lý Xuân Lìn nói: “Gia đình anh Lý Sèo Phù là hộ dân tộc Mông điển hình của xã luôn có ý chí vươn lên thoát nghèo. Anh Phù giỏi tính toán làm ăn nên chỉ trong vài năm đã vươn lên trở thành hộ khá giả trên vùng cao này. Trong những năm qua, xã đã lấy mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Phù để tuyên truyền cho bà con trong xã học tập và làm theo”.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.