Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Mai Hương - 18:23, 13/10/2021

Trong thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn. Chị Trương Thị Diệu Linh, dân tộc Thổ ở Chi hội Phụ nữ xóm Tân Mùng, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp là một điển hình.

Hiệu quả từ mô hình trồng cam của gia đình chị Trương Thị Diệu Linh (đứng thứ 2 bên trái sang) ở xóm Tân Mùng, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Hiệu quả từ mô hình trồng cam của gia đình chị Trương Thị Diệu Linh (đứng thứ 2 bên trái sang) ở xóm Tân Mùng, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Theo lời giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Hợp, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Trương Thị Diệu Linh, sinh năm 1994, thuộc Chi hội Phụ nữ xóm Tân Mùng. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là người phụ nữ thân thiện, giản dị và khiêm nhường. Qua trò chuyện với chị, chúng tôi được biết, để có cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một quá trình gian nan, vất vả của đôi vợ chồng trẻ đi lên từ hai bàn tay trắng.

Chị Linh chia sẻ, năm 2013 sau khi kết hôn, hai vợ chồng được bố mẹ chồng giao cho diện tích 2,5 ha đất nông nghiệp trồng hoa màu và các loại cây tre, mét cho thu nhập rất thấp. Thời điểm đó, nơi đây còn hoang vắng, đường xá đi lại khó khăn. Với sức trẻ và ý chí quyết tâm vươn lên làm kinh tế, vợ chồng chị Linh đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua các gương điển hình, các mô hình chăn nuôi làm vườn giỏi để từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị cũng tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do huyện, xã tổ chức và tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng về các mô hình làm kinh tế vườn đồi.

Để có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Linh đã làm hồ sơ vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng. Chị còn được Chi hội Phụ nữ xóm thống nhất bình xét cho vay vốn không lấy lãi từ nguồn quỹ của Chi hội với số tiền 20 triệu đồng. Với số vốn được vay cùng với số tiền gia đình dành dụm được, vợ chồng chị Linh đã chuyển sang trồng hơn 150 gốc táo, hơn 600 gốc cam, quýt, bưởi và 4 sào dứa.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Linh đã cho thu nhập, giúp chị trả xong tiền vay ngân hàng. Cùng với việc thu nhập từ vườn cây, vợ chồng chị Linh còn đầu tư áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nuôi thêm gà, ngan, lợn. Ngoài ra, chị Linh còn duy trì nghề bốc thuốc nam gia truyền… Tất cả các nguồn từ trồng trọt, chăn nuôi, bốc thuốc, đã mang về cho gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Linh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động nữ trong xóm, với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hướng dẫn và vận động chị em tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương vào phát triển kinh tế.

Chị Linh chia sẻ: Quả ngọt có được như ngày hôm nay bắt đầu từ đồng vốn vay ưu đãi, đặc biệt là chương trình cho vay hộ nghèo, với lãi suất thấp, thời gian vay dài nên đã tạo điều kiện cho hộ vay phát triển kinh tế, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chi tiêu tiết kiệm. "Hơn 5 năm qua, gia đình tôi đã nỗ lực cải tạo đất, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi nên mới có được thành quả này”.

Mặc dù công việc gia đình bận rộn, nhưng chị luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội, các phong trào thi đua, luôn chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các buổi tối, chị còn tham gia tập văn nghệ với chị em trong khu phố, tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ xã tổ chức, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương và tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng Nông thôn mới ở địa phương...

Từ những nỗ lực và thành quả gặt hái được, nhiều năm qua, chị Trương Thị Diệu Linh là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 


Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.