Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Học nghề giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo

PV - 15:33, 22/09/2021

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Hội Phụ nữ tỉnh, các chi, Hội cơ sở quan tâm, chú trọng. Hàng nghìn phụ nữ DTTS được tiếp cận với các chương trình dạy nghề, từ đó giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Chị em phụ nữ xã Lũng Táo (huyện Đồng Văn) học nghề may mặc truyền thống
Chị em phụ nữ xã Lũng Táo (huyện Đồng Văn) học nghề may mặc truyền thống

Đồng Văn là huyện vùng cao, núi đá, chủ yếu phát triển nông nghiệp truyền thống, trong đó, phụ nữ đóng vai trò quan trọng và chiếm 50% lực lượng lao động. Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn hiện có trên 12.000 hội viên, chủ yếu là chị em đồng bào DTTS.

Đại hội Đại biểu phụ nữ huyện Đồng Văn lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đặt ra 2 chương trình trọng tâm, trong đó có nội dung: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, lòng nhân hậu. Thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện, hội viên phụ nữ trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế.

Nhờ được tiếp cận với các lớp học nghề, như: Thêu, may mặc, dệt vải lanh... Đến nay, hầu hết các chị em đã thạo nghề, tạo được sản phẩm để bán ra thị trường, có thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Những ngày nông nhàn, chị Vừ Thị Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn) lại bận rộn với công việc ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn với công việc chính là may mặc các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Qua đôi tay khéo léo của chị, những tấm vải lanh thô, cứng dần trở thành các sản phẩm vô cùng bắt mắt.

Được biết, nhiều năm về trước, chị cũng như nhiều chị em phụ nữ khác trong thôn chỉ biết làm việc nhà và trên các nương ngô. Sau khi Hội Phụ nữ huyện mở lớp dạy nghề may mặc trang phục dân tộc và vận động chị em tham gia, nhận thấy đây là cơ hội để vươn lên thoát nghèo, khẳng định bản thân, chị Mỷ đã chủ động sắp xếp công việc gia đình, cần mẫn học nghề. Đến nay, khi tay nghề thành thục, chị được bố trí công việc tại HTX. Công việc ở HTX mang lại thu nhập cho chị Mỷ từ 5-7 triệu đồng/tháng, tùy số lượng sản phẩm làm ra.

“Thu nhập ổn định, con cái được ăn no, mặc ấm, được đến trường với quần, áo đẹp là thành quả cho những nỗ lực của tôi. Chị em phụ nữ chỉ cần có một nghề ổn định, làm chủ cuộc sống thì gia đình sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều. Có lẽ, đây cũng là mong mỏi của bất cứ chị em phụ nữ nào”, chị Mỷ tâm sự.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn phối hợp mở được 73 lớp dạy nghề thêu dệt thổ cẩm, cắt may trang phục dân tộc, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…; thành lập được 4 HTX, 20 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế tại 19 xã, thị trấn. Các HTX hiện có doanh thu cao, tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ như: HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, chuyên dạy nghề may mặc trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên, doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm; HTX Thổ cẩm thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với 18 thành viên, doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo cơ hội cho nhiều chị em được vay vốn ưu đãi. Hiện, Hội quản lý 64 Tổ vay vốn với tổng số dư nợ gần 70 tỷ đồng/2.064 hộ. Ngoài ra, có gần 2.000 hội viên phụ nữ vay vốn qua các Đoàn thể khác với tổng số vốn vay trên 700 triệu đồng.

Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn cho biết: Với chủ trương “Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, có thu nhập ổn định sau đào tạo”, chúng tôi đã lựa chọn và đào tạo các nghề dựa trên nhu cầu thực tế về việc làm tại địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Các lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ người DTTS bám sát được mục tiêu Đề án số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng đối với nghề được học, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, nhiều mô hình dạy nghề trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định rõ hiệu quả; nhiều chị em sau khi học nghề, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.

Những thành quả trong công tác đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ mở ra tương lai, hướng đi mới cho chị em, đặc biệt là phụ nữ DTTS từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của các chị em để phát triển kinh tế, cống hiến, xây dựng quê hương./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.