Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đào tạo nghề ở Lào Cai: Cơ sở vật chất đang thiếu nghiêm trọng

Trọng Bảo - 17:03, 16/11/2020

Những năm gần đây, với nhận thức dù học đại học hay học nghề thì mục tiêu cuối cùng của các em học sinh (HS), các phụ huynh là ra trường được đi làm. Do đó, tại tỉnh Lào Cai, hàng nghìn HS đã từ chối môi trường đại học để đăng ký học nghề. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề lại chưa thực sự được quan tâm…

Các phòng học trước đây của khoa Điện - Điện tử đều được ngăn đôi, mặc dù rất chật chội
Các phòng học trước đây của khoa Điện - Điện tử đều được ngăn đôi, mặc dù rất chật chội

Không có ký túc xá - sinh viên nghèo gặp khó khăn

Khoa Y Dược hệ trung cấp và cao đẳng, thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai có khoảng 40 học sinh, sinh viên (HSSV), đang học ở cơ sở chính tại phường Bình Minh, nhưng tại đây không có ký túc xá (KTX) nên các em vẫn phải ở trong cơ sở cũ tại phường Bắc Cường, cách gần 10km. Các em HSSV đa số ở huyện và các tỉnh lân cận về học, do không có phương tiện đi lại, nên thời gian qua, nhà trường phải hỗ trợ các em bằng cách huy động thầy cô cho các em đi nhờ xe hoặc bố trí xe tập lái chở các em xuống giảng đường. 

Em Hạng Thị Đớt, dân tộc Mông, sinh viên năm nhất khoa Y dược, nhà ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, em được nhà trường bố trí ở trong KTX. Tuy nhiên, hằng ngày để di chuyển gần 10 km từ KTX đến giảng đường để học luôn là bài toán khó đối với em.

Thiếu ký túc đang là một trong những khó khăn của Trường Cao đẳng Lào Cai từ khi trường mở rộng quy mô đào tạo. Hiện tại, nhà trường chỉ có 2 dãy KTX, mỗi dãy 54 phòng, mỗi phòng 8 em thì chỉ có khoảng 450 em được ở, bằng 1/10 tổng số HSSV hệ trung cấp, cao đẳng của trường.

“Tạm thời, trường đang phải mượn nhà hiệu bộ của Trường Cao đẳng cộng đồng cũ và Trường Chính trị cũ để dạy học và cho các em ở tạm. Tuy nhiên, cũng chỉ cố gắng bố trí thêm khoảng 400 em nữa. Thực tế thì còn thiếu rất nhiều vì năm học 2020 - 2021, trường tuyển mới hệ cao đẳng, trung cấp, HSSV có nhu cầu chỗ ở vào khoảng 2.000 trường hợp”, thầy Nguyễn Duy Khánh, Phó trưởng Phòng công tác HSSV cho biết.

Cần giải pháp kịp thời

Bên cạnh việc thiếu KTX, thì việc thiếu phòng học cũng đang là khó khăn của Trường Cao đẳng Lào Cai. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, hiện, Trường còn thiếu tối thiểu 25 phòng học lý thuyết, 59 phòng học thực hành, nhà làm việc các khoa, trung tâm và các công trình phụ trợ khác… 

Khoa Điện- Điện tử hiện có khoảng 30 lớp, với trên 1.000 HSSV. Để đáp ứng nhu cầu về phòng học, khoa phải ngăn đôi các phòng học cũ ra, tuy nhiên rất chật hẹp, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học.

“Các phòng thực hành trước đây các thiết bị mô hình đều trưng bày ngay trong phòng phục vụ cho việc dạy và học, hiện tại thì phải xếp vào kho khi nào học đến thì lại khiêng ra. Ngay cả việc ngăn đôi phòng học cũng vẫn chưa đủ, chúng tôi đang tính phương án phải học 3 ca, học cả vào buổi tối”, cô Nguyên Thị Anh Đào, Trưởng khoa Điện- Điện tử cho biết.

Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau THPT hiện nay. Với đặc thù vùng cao, HSSV của Trường Cao đẳng Lào Cai có tới trên 70% là con em đồng bào DTTS điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.