Nặng tâm lý bằng cấp
Với cơ chế tuyển sinh thoáng của các trường đại học, cao đẳng (ĐH CĐ) như hiện nay, nhiều trường ĐH chỉ cần học sinh nộp hồ sơ sau khi tốt nghiệp THPT là các em đã có thể bước chân vào cánh cửa ĐH đầy mơ ước.
Bà Đinh Thị Hóa, dân tộc Tày, thôn Chợ, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) cho biết: “Con trai tôi năm nay bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện gia đình đang chờ kết quả thi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ lựa chọn cho cháu một trường ĐH phù hợp với khả năng của mình”.
Thực tế cho thấy, các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vẫn mang tư tưởng “sính đại học”, nặng tâm lý bằng cấp, xem nhẹ việc học nghề. Quan niệm trọng bằng cấp đã ăn sâu vào suy nghĩ của các bậc phụ huynh, học sinh. Điều này đã khiến mỗi năm có hơn 25.000 sinh viên (20%) sau khi ra trường bị thất nghiệp, không tìm được việc làm phù hợp.
Trong khi đó tại các trường đào tạo nghề, thời gian đào tạo chỉ 1 - 2 năm, sau khi tốt nghiệp học nghề, các em còn được nhà trường kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, với mức lương khá hấp dẫn.
Minh chứng như ở Công ty CP Lilama 691, ông Lê Huy Tạo, Phó Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty cho biết: “Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề rất lớn, đối với học viên mới ra trường, mức lương khởi điểm từ 7 - 10 triệu đồng và chúng tôi luôn bảo đảm mức lương trung bình 12 - 15 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ được các doanh nghiệp săn đón, sau khi tốt nghiệp các trường nghề, nhiều sinh viên có thể phát huy ngành nghề đã học để làm chủ cuộc sống của mình.
“Năm 2018, em tốt nghiệp nghề điện lạnh. Sau 2 năm học nghề với chi phí chưa đến 30 triệu đồng đã giúp em vững nghề. Với công việc bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa, trung bình thu nhập mỗi tháng của em 10 - 15 triệu đồng. Cao điểm những đợt nắng nóng, nhu cầu người dân tăng cao, em làm không hết việc”, em Quách Văn Nam, dân tộc Mường, TP. Hòa Bình (Hòa Bình) chia sẻ.
Tăng cường các hình thức hướng nghiệp
Cơ hội việc làm với mức lương ổn định là thế, nhưng các trường nghề vẫn rơi vào tình trạng “khan hiếm” học viên. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện các trường nghề trên cả nước mới chỉ tuyển được 845.000 học viên, con số này mới chỉ đạt 21% kế hoạch tuyển sinh năm 2020 đề ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, là do công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Các trường phổ thông vì nhiều lý do, luôn đứng ngoài lề việc hướng nghiệp cho học sinh. Trong khi các em vẫn chưa đủ hiểu biết để lựa chọn. Bên cạnh đó, tính chủ động của các trường nghề chưa cao, gần như là đợi thí sinh không đỗ ĐH đăng ký vào học. Do đó, cần đổi mới, tăng cường các hình thức hướng nghiệp cho học sinh.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH phối hợp tổ chức cuối tháng 6, TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) chia sẻ, học ĐH là một lựa chọn tốt nếu học sinh có nền tảng kiến thức phổ thông chắc chắn, sau này trở thành những người có chuyên môn toàn diện, có năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày một tăng hiện nay, thì người có trình độ tay nghề đang có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để tiếp cận công việc cho thu nhập cao và ổn định…