Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng như toàn thế giới đều bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã vượt khó, đạt được những kết quả gì nổi bật, thưa ông?
Năm 2020, công tác GDNN đã đạt được những dấu ấn nhất định, trong bối cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Đầu tiên là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Năm 2020, cũng là năm Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 4/10 hàng năm là ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với phát triển GDNN.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của cả hệ thống GDNN. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn đạt kế hoạch đề ra; kết quả phân luồng sau trung học, nhất là trung học cơ sở tốt hơn nhiều các năm trước; người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lao động vùng biên, người DTTS được quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, để sớm quay lại thị trường lao động tìm kiếm việc làm.
Năm 2020, cũng là năm chúng ta đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp quốc gia trong học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong hệ thống GDNN, được Chính phủ đánh giá cao.
Mặc dù GDNN đã được chú trọng, nhưng thực tế nước ta vẫn còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Tổng cục GDNN đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng lao động có tay nghề cao, thưa ông?
Những năm gần đây, Tổng cục GDNN đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo ra nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao. Từ năm 2014, Tổng Cục GDNN đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; Tiến hành quy hoạch các ngành nghề trọng điểm; chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại cho các trường; ban hành thông tư quy định tiêu chí xác định chương trình GDNN chất lượng cao...
Trong đó, Tổng cục GDNN đã đặt hàng đào tạo với doanh nghiệp, người sử dụng lao động; tổ chức đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc cho 12 nghề (theo tiêu chuẩn quốc tế của Úc) cho trên 800 sinh viên hệ cao đẳng đã tốt nghiệp năm 2020; 100% các em ra trường đều có việc làm ngay tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện, Tổng cục GDNN đang triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống, đồng thời đang tổ chức đào tạo thí điểm cho 22 nghề theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức nghề (theo tiêu chuẩn quốc tế của Đức) cho trên 1.056 sinh viên hệ cao đẳng. Các sinh viên tốt nghiệp này sẽ là lực lượng lao động chất lượng cao lan tỏa, nòng cốt trong toàn hệ thống và xã hội, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính phủ giao.
Năm 2021, hệ thống GDNN dự kiến sẽ tuyển sinh 2,5 triệu người. Theo ông, để đạt chỉ tiêu này, chúng ta cần phải có những giải pháp gì? Nhất là đối với lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số?
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ LĐTB&XH đã tham gia triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS” thuộc Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo đó, Bộ LĐTB&XH đã đặt mục tiêu là, tăng cường công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đồng bào DTTS; đào tạo, đào tạo lại cho khoảng 2,25 triệu người để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào vùng DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo vùng dân tộc...
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu tuyển sinh, đào tạo cho 2,5 triệu người trong năm 2021, ngay từ đầu năm, Tổng cục GDNN đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở GDNN thực hiện đồng bộ các giải pháp; đồng thời rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm sau đào tạo; đề xuất và triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Tổng Cục GDNN sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ nghiên cứu đào tạo các ngành, phù hợp với đặc thù phong tục, tập quán, đặc điểm kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS học nghề, tự tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề mà xã hội, doanh nghiệp có nhu cầu cao, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Theo đó, Tổng cục GDNN sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề, với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo. Ví dụ mô hình đào tạo nghề nhằm phát triển thị trường nông sản truyền thống, dược liệu quý, du lịch cộng đồng.... Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm dạy và học cho các cơ sở GDNN vùng DTTS và miền núi, nhất là các trường dân tộc nội trú, trường chất lượng cao.
Tổng cục GDNN cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, vay vốn cho lao động là người DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài cho lao động người DTTS.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hệ thống GDNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai, hình thành phương thức tuyển sinh, đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. Phương thức này không chỉ dừng ở việc đối phó với dịch bệnh, mà đã và đang trở thành một xu thế mới trong GDNN.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)