Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Quan tâm hướng nghiệp cho học sinh sát với nhu cầu thực tế

Hoàng Quý - 15:09, 20/11/2020

Thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chuyển dần theo hướng phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, nhờ đó đã tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. Tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT đăng ký học nghề có xu hướng ngày càng tăng lên.

Tỉnh Hà Giang ngày càng chú trọng hơn đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS
Tỉnh Hà Giang ngày càng chú trọng hơn đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS
Mèo Vạc là một trong những huyện còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, phần lớn các em học sinh đều chưa thực sự nắm rõ về tầm quan trọng của việc học tập. Để nâng cao nhận thức, định hướng cho các em lựa chọn nghề phù hợp, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp phân luồng, định hướng học sinh trong công tác hướng nghiệp.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Lũng Chinh, ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học các môn học chính, Nhà trường còn tích cực chú trọng đến công tác giáo dục nghề nghiệp cho các em. Theo đó, đối với những em học sinh có định hướng học lên cao hơn, Nhà trường tập trung định hướng, rèn luyện nắm chắc kiến thức. Tương tự như vậy, đối với những em có định hướng học nghề, Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện, hướng dẫn các em theo học nghề đúng với sở trường, nguyện vọng của bản thân.

Không chỉ tập trung hướng dẫn các em trên lớp học, Nhà trường còn phân công các thầy, cô giáo phối hợp với chính quyền địa phương phụ trách tuyên truyền để giúp các em và gia đình hiểu được tầm quan trọng của việc học tập; chia sẻ các thông tin tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp, hữu ích tới các em.

Em Giàng Mí Chứ, học sinh Trường PTDTBT THCS Lũng Chinh chia sẻ: “Biết em yêu thích công nghệ thông tin nên các thầy cô giáo trong trường đã định hướng em học tiếp. Em dự định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký tuyển sinh vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội”.

Thầy Lê Trọng Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lũng Chinh cho biết, do địa phương còn nhiều khó khăn, đa số học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THCS đều nghỉ ở nhà hoặc đi học nghề, do đó, nhà trường luôn chú trọng đến công tác giáo dục nghề nghiệp cho các em, góp phần phân luồng học sinh sau THCS một cách hiệu quả.

“Chúng tôi định hướng cho các em thông qua chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa (1 tiết/tuần), lồng ghép khi giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh. Những nghề mà các em thường hướng đến là cơ khí, sửa chữa ô tô-xe máy, may mặc... vì học xong dễ có việc làm, phù hợp với nhu cầu ở địa phương”, thầy Hà cho biết thêm.

Được biết, không chỉ ở Mèo Vạc mà các huyện khác cũng chú trọng hơn đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS. Nhiều trường đã liên kết với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để trực tiếp tư vấn cho học sinh và phụ huynh; đồng thời đưa học sinh lớp 8, lớp 9 cùng phụ huynh đến tham quan, trải nghiệm tại trường nghề.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, phân luồng, định hướng nghề nghiệp là hoạt động cần thiết phải triển khai trong các cơ sở giáo dục. Thầy, cô giáo là người hiểu rõ năng lực học sinh, từ đó định hướng cho các em tiếp tục con đường học tập lên THPT hay chọn một trường nghề phù hợp. Định hướng theo năng lực là một trong những nội dung quan trọng để phát huy khả năng của học sinh sau này. Điều đó sẽ giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.




Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.