Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Ưu tiên phát triển nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù

Hiếu Anh - 15:17, 13/08/2021

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 DTTS rất ít người, gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Đây cũng là 5 trong số 14 dân tộc có khăn đặc thù vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227, ngày 14/7/2021. Theo đó, nhóm DTTS này luôn được sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư toàn diện của Chính phủ, của các cấp chính quyền.

Những ngôi nhà của người dân tộc Cờ Lao (xã Bạch Đích, huyện Yên Minh) được xây dựng khang trang
Những ngôi nhà của người dân tộc Cờ Lao (xã Bạch Đích, huyện Yên Minh) được xây dựng khang trang

Từng bước đổi thay

Vùng DTTS và miền núi vốn được coi là vùng nghèo, trong đó địa bàn các DTTS rất ít người sinh sống thường là những vùng lõi nghèo nhất, khó khăn nhất. Nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều chính sách vực dậy vùng lõi nghèo này.

Thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng là nơi có cộng đồng người Pu Péo sinh sống nhiều nhất trên địa bàn huyện Yên Minh, với 18 hộ, 91 nhân khẩu. Mới chỉ cách đây 7 năm thôi, đường vào Cháng Lộ được mệnh danh là “con đường đau khổ” khi chỉ toàn là đất, ngày nắng may ra có thể đi vào bằng xe máy, nhưng chỉ cần lất phất mưa, con đường như được láng mỡ, không thể đi lại bằng bất cứ phương tiện gì. Cộng đồng người Pu Péo trước đây chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nên hầu hết các hộ thuộc diện hộ nghèo, nhiều bản sắc văn hóa bị mai một…

Ông Chúng Vần Tờ, Người có uy tín trong cộng đồng người Pu Péo ở Sủng Cháng cho biết: Sủng Cháng đã được đầu tư con đường bê tông dài hơn 1,5km; mỗi hộ dân được hỗ trợ một con bò cái sinh sản và xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã có xe máy, 15/18 hộ có ti vi; các hộ đều được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm bảo đảm; trẻ em được đến trường.

Ngoài ra, cộng đồng người Pu Péo ở Sủng Cháng còn được hỗ trợ, phục dựng và duy trì Lễ hội Cúng thần rừng và cúng nguồn nước đầu năm mới. Có thể nói đời sống mọi mặt của người dân đã không còn khó khăn như trước đây.

Cũng giống như người Pu Péo ở Sủng Cháng, 19 hộ dân với trên 100 nhân khẩu dân tộc Cờ Lao ở thôn Xà Ván, xã biên giới Phú Lũng (Yên Minh) giờ đã có cuộc sống mới. Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng các dân tộc rất ít người, các hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao được Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn; kéo điện lưới sinh hoạt; xây dựng “hồ treo”, hỗ trợ các thiết chế văn hóa...

Đồng bào dân tộc Lô Lô ở Hà Giang gìn giữ văn hóa truyền thống
Đồng bào dân tộc Lô Lô ở Hà Giang gìn giữ văn hóa truyền thống

Cần tiếp tục được quan tâm

Theo ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, nhằm bảo đảm triển khai thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với địa bàn, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Hà Giang đã chủ động xây dựng 10 nghị quyết, 39 đề án đặc thù và vận dụng linh hoạt, sáng tạo 19 nghị quyết và 56 đề án của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, với tổng kinh phí thực hiện trên 1.560 tỷ đồng.

Theo đó, các chính sách dân tộc đã phát huy tốt trong thực tiễn, trong đó phải kể đến Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg từ 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã phân cấp, đầu tư 47 công trình cơ sở hạ tầng với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng 16 công trình đường giao thông, cầu cống; 18 công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt; 3 công trình điện sinh hoạt; 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học và 1 công trình hạ tầng khác.

Công trình nước sạch tập trung đầu tư cho dân tộc Cờ Lao huyện Yên Minh
Công trình nước sạch tập trung đầu tư cho dân tộc Cờ Lao huyện Yên Minh

Hà Giang cũng bố trí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa; công tác thông tin tuyên truyền, y tế, giáo dục và an sinh xã hội cũng được quan tâm. Bên cạnh các chính sách đặc thù này, đồng bào DTTS rất ít người vẫn được thụ hưởng chính sách từ các chương trình, đề án phát triển vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 30a, 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Ông Triệu Trung Hiệp cũng cho biết thêm, từ năm 2021, các đề án, chương trình về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS rất ít người được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Chương trình này đang được kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.