Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Hội thảo công bố nghiên cứu. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng; đại diện các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển…
Báo cáo nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của DTTS tại Việt Nam” chỉ ra, cùng với các yếu tố chính về kết nối hạ tầng và kết nối kinh tế, liên kết thị trường, cơ hội tham gia vào thị trường lao động thì các yếu tố khác bao gồm sự sẵn có của tư liệu sản xuất, khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế, thiết chế truyền thống và quản trị địa phương, mối quan hệ giới, quan niệm về tộc người và khả năng tiếp cận với sự hỗ trợ từ bên ngoài… cũng là những yếu tố giúp một số nhóm DTTS có trình độ phát triển cao hơn hẳn những nhóm khác.
Nghiên cứu đã chỉ ra con đường thoát nghèo của những nhóm “đi đầu” là dân tộc Mường và Sán Dìu, phụ thuộc một phần vào sự kết nối thuận tiện giữa nơi cư trú tới các cơ sở hạ tầng cơ bản và các cụm trung tâm kinh tế. Các nhóm dân tộc này có khả năng tiếp cận tốt hơn tới các nguồn lực giúp họ đa dạng hóa các hoạt động sinh kế…. Qua việc chỉ ra một cách có hệ thống các yếu tố chính giúp một số nhóm dân tộc vươn lên phát triển kinh tế trong khi các nhóm khác còn chậm cải thiện, nghiên cứu hy vọng cung cấp thêm thông tin cho việc sửa đổi các chính sách và chương trình dành cho đồng bào DTTS.
Nghiên cứu cũng gợi ý một vài khuyến nghị chính sách, bao gồm xác định lại trọng tâm của công tác dân tộc trong tương lai và thúc đẩy các chính sách và cơ chế hiện có. Các chính sách trong tương lai nên tập trung vào đầu tư hỗ trợ sản xuất và xây dựng năng lực, tiếp cận thị trường lao động, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đồng thời giảm thiểu những định kiến và kỳ thị xã hội. Ngoài ra, cơ chế hiện tại cần vượt xa hơn các cải thiện kết nối hạ tầng tiến tới tăng cường các thể chế và chủ thể của thị trường để hỗ trợ việc kinh doanh tại các vùng DTTS.
“Từ nghiên cứu này, chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự tăng tính hòa nhập xã hội bằng cách chủ động áp dụng cách tiếp cận mới đối với sự phát triển của các vùng DTTS. Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới để lồng ghép chương trình này, qua các dự án đầu tư vào giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn và miền núi, đa dạng hóa nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các Chương trình mục tiêu Quốc gia”. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã giành sự quan tâm đặc biệt, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, đầu tư, phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi. Nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc nhận được sự hợp tác và ủng hộ của các đối tác phát triển, trong đó có Ngân hàng Thế giới. Những hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới là rất kịp thời, đặc biệt là các nội dung trong báo cáo nghiên cứu được thực hiện dựa trên Bộ số liệu điều tra tình hình kinh tế-xã hội 53 DTTS, có nhiều thông tin có giá trị trong việc nghiên cứu, tham mưu chính sách dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, những thông tin và ý kiến trong cuộc Hội thảo sẽ được Ủy ban Dân tộc nghiêm túc nghiên cứu, phân tích, là một trong những cơ sở để xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019.
THANH HUYỀN - NGHĨA HIỆP