Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những người phụ nữ Chứt ở Rào Tre…

Thanh Nguyễn - 07:02, 24/11/2023

Họ còn là tấm gương sáng, vận động, tuyên truyền bà con dân bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ bản sắc văn hóa, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước… Đó là những người phụ nữ ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) – nơi có cộng đồng người Chứt sinh sống.

Các hộ người Chứt đã tiếp cận được với nghề trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế
Các hộ người Chứt đã tiếp cận được với nghề trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế

Người phụ nữ khiến chúng tôi ấn tượng đầu tiên ở bản Rào Tre là bà Hồ Thị Nam. Dáng người thấp, đậm, nước da ngăm ngăm nhưng cách nói chuyện của bà Hồ Nam lại khiến chúng tôi thấy gẫn gũi, mộc mạc. Và không chỉ chúng tôi, người dân bản Rào Tre cũng đã từng ngưỡng mộ người phụ nữ ngoài 60 tuổi này, bởi bà là người phụ nữ dân tộc Chứt đầu tiên được kết nạp Đảng vào năm 2003. Có lẽ, ước nguyện lớn nhất suốt mấy mươi năm mà bà đeo đuổi, là mang ánh sáng của Đảng rọi soi nơi chân núi Ka Đay - vùng đất định cư hiện nay của tộc người Chứt.

Bà Hồ Thị Nam đã tròn 20 năm theo Đảng
Bà Hồ Thị Nam đã tròn 20 năm theo Đảng

20 năm đứng vào hàng ngũ của Đảng, cũng là 20 năm với kí ức đẹp không thể phai mờ. Bà Nam hào hứng: Tôi thấy việc đứng vào hàng ngũ Đảng là vinh dự lớn của cuộc đời. Tôi tự hào về điều này và cũng ý thức hơn về trách nhiệm bản thân vì mình là đảng viên, là con cháu Bác Hồ nên phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Trở thành đảng viên, bà Nam được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ ở bản. Từ chi hội phó, rồi chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản, trưởng bản, bí thư chi bộ. Chưa hết, bà còn là đại biểu HĐND xã Hương Liên 2 nhiệm kỳ và đại biểu HĐND huyện Hương Khê một nhiệm kỳ.

Bà Hồ Thị Nam luôn động viên con cháu chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc
Bà Hồ Thị Nam luôn động viên con cháu chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc

Điều rất đặc biệt, dù ở cương vị nào, bà Nam cũng luôn phấn đấu, nỗ lực hết sức mình. Từ hồi còn làm Bí thư Chi bộ, chính bà Nam đã hướng dẫn, dìu dắt và kết nạp được 8 đảng viên người Chứt. Rồi, cũng từ hồi còn là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Trưởng bản Rào Tre, bà Nam đã cùng cấp ủy chính quyền xã Hương Liên, Tổ công tác biên phòng Rào Tre tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hôn nhân cận huyết, chăm chỉ lao động sản xuất để đẩy đuổi đói nghèo…

Về bản Rào Tre, hỏi bất cứ người dân nào thì họ đều dành cho bà Hồ Thị Nam niềm tin yêu, mến phục. Bởi không chỉ bà nói được, làm được những việc ngoài xã hội mà ngay trong gia đình, thì bà Hồ Thị Nam vẫn là một người phụ nữ với những dấu ấn quan trọng. Là người vợ, người mẹ trong gia đình, nhưng hơn hết bà đã nuôi dưỡng trong mình lý tưởng cách mạng của người Bí thư Chi bộ bản, bà đã “ươm mầm” các “hạt giống đỏ” ngay trong chính gia đình mình. Qua đó 2 con gái của bà là Hồ Thị Duyên (SN 1995) và Hồ Thị Khuyên (SN 2000) đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng; các con trai, con rể cũng đang chuẩn bị có được niềm vinh dự đó.

Hồ Thị Kiên (bìa trái) trong một lần đi thăm bà con trong bản
Hồ Thị Kiên (bìa trái) trong một lần đi thăm bà con trong bản

Hiện nay, dẫu không còn tham gia công tác, nhưng bà Nam vẫn luôn gương mẫu trong mọi phong trào, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Chi bộ và luôn khao khát để đồng bào Chứt ngày càng no ấm, văn minh...

Cùng với người tiền nhiệm này, Trưởng bản Hồ Thị Kiên cũng là nữ cán bộ bản trẻ tuổi được người dân tin yêu. Vượt qua tập tục, suy nghĩ của đồng bào Chứt, rằng: nam giới mới được đảm đương các phần việc xã hội và vị trí trưởng bản phải là người nhiều tuổi. Thành ra, năm 2015, Hồ Thị Kiên được bầu chọn là nữ Trưởng bản khi mới 27 tuổi, khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Nhưng, ngỡ ngàng bao nhiêu, sau đấy đồng bào Chứt ở Rào Tre lại quý mến Kiên bấy nhiêu. Là thế hệ trẻ 9X, Kiên may mắn hơn chúng bạn khi được nhà nước hỗ trợ đi học, có cơ hội đi ra ngoài bản tiếp cận với nhiều cái mới, cái tốt đẹp… nên nhận thức được những nếp sống, hủ tục, những phương thức sản xuất lạc hậu không phù hợp tại bản làng. 

Trưởng bản Kiên trải lòng: Thay đổi đầu tiên của mình là độ tuổi kết hôn, lập gia đình rồi thì chăm con thế nào cho con khỏe mạnh, học hành đầy đủ; còn phát triển kinh tế thì phải làm sao để có dư giả phòng khi ốm đau hoặc có công việc cần lo. Thêm nữa, là người trẻ thì phải không ngừng học tập, phấn đấu để có hiểu biết nhiều hơn nữa.

Cô gái dân tộc Chứt Hồ Thị Sương đang là sinh viên đại học
Mai này, những cô gái dân tộc Chứt, như em Hồ Thị Sương (hiện là sinh viên đại học) sẽ là lớp kế cận những người đi trước, làm thay đổi bản làng

Thời điểm Kiên nhận việc làng, việc bản thì tục hôn nhân cận huyết và kết hôn sớm vẫn xảy ra trong đồng bào Chứt. Vậy là, kế thừa những gì mà thế hệ trước như bà Hồ Thị Nam đã làm, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương, với lực lượng BĐBP, Kiên đã dành nhiều thời gian đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân đẩy lùi tình trạng hôn nhận cận huyết, không kết hôn sớm. 

Song song với phần việc này, từ những kiến thức đã học, từ những điều tốt đẹp tiếp cận được ngoài bản, Kiên đã hướng dẫn dân bản, nhất là các bản trẻ cách trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng gia đình no ấm và hạnh phúc. Đặc biệt, khi ốm đau hay sinh đẻ thì phải đến trạm y tế thăm khám, không ở nhà mời thầy mo như trước…

“Nói không thì không ai tin đâu. Mình phải làm thật, có hiệu quả thì bà con mới nghe theo. Muốn dân nuôi lợn, trồng rau, gieo mạ được mình cũng phải làm để họ thấy từ đó mới làm theo”, Kiên kể. Và rồi, từ lúc nào không hay, dân bản Rào Tre cứ hễ thấy Kiên trồng cây gì, nuôi con gì là đều học theo và làm theo để mong có được kết quả tốt như vị trưởng bản.

Những đứa trẻ ở bản Rào Tre đang tiếp tục được thụ hưởng những chính sách dành cho đồng bào có khó khăn đặc thù của Nhà nước
Những đứa trẻ ở bản Rào Tre đang tiếp tục được thụ hưởng những chính sách dành cho đồng bào có khó khăn đặc thù của Nhà nước

Rồi Kiên kể tiếp: Tôi luôn gắn công tác tuyên truyền, vận động để bà con cùng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương vào mọi hoạt động của bản làng và luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Bà Hồ Thị Nam, rồi Hồ Thị Kiên… chỉ là hai trong nhiều phụ nữ người Chứt có ý chí, quyết tâm, tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng ở bản Rào Tre. Chỉ nay mai thôi, khi những cô sinh viên như Hồ Thị Sương (trúng tuyển kỳ tuyển sinh đại học năm học 2020 – 2021) ra trường, trở về công tác tại địa phương, như niềm mong mỏi và tâm nguyện của em trước ngày lên giảng đường, chắc hẳn sẽ có một lớp thế hệ trẻ người Chứt kế tiếp mang khát vọng đổi thay bản làng bước tiếp những phần việc dở dang của lớp người đi trước.                      

Rồi những nữ đảng viên ít tuổi như Khuyên, Duyên (con gái bà Hồ Thị Nam) cũng đang tràn đầy sức trẻ trên hành trình lập thân, lập nghiệp ở Rào Tre. Cho dù là già hay trẻ, lớn hay bé, thì những người phụ nữ ở Rào Tre vẫn chưa bao giờ thôi khát vọng xây dựng bản làng no ấm, phát triển.

Người Chứt ở bản Rào Tre đang mong thế và chúng tôi vẫn hằng tin như thế.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.