Bén duyên nơi vùng đất mới
Những năm 1960, trong lần đi tuần tra đường biên, cột mốc quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện nhóm người lạ sinh sống trong các hang đá vùng núi giáp biên. Sau thời gian tìm hiểu tập quán, cách sinh hoạt… BĐBP biết đây là nhóm người Chứt di cư từ Quảng Bình ra. Từ tiếp xúc, rồi đến vận động, 18 người Chứt này được đưa về định cư ở bản Giàng (xã Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh). Nhưng rồi, người Chứt không quên được chỗ ở cũ trong hang đá, chưa thay đổi được thói quen sinh hoạt ở nơi mới, nên bà con lại kéo nhau trở lại với núi cao, rừng thiêng!
Cuộc sống “lưu động” nay đây mai đó, nhóm người Chứt ở Hà Tĩnh phải đối mặt với bao nhiêu thử thách như đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi… Thậm chí nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu trước mắt.
Không để cho đồng bào phải đói khổ thêm, BĐBP và chính quyền địa phương lại một lần nữa tìm cách đưa người Chứt về xuôi. Rào Tre, một thung lũng dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, Hương Khê) được chọn để người Chứt an cư. Rồi như một cái duyên, người Chứt không những an cư ở Rào Tre, mà họ đang từng ngày làm cho Rào Tre trở nên giàu đẹp.
Năm 1991, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào Chứt về dưới chân núi Ka Đay, xã Hương Liên dựng nhà, lập bản Rào Tre và định cư đến bây giờ. Thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp sinh hoạt như khi còn ở rừng sâu với nhiều tập tục lạc hậu. Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống của họ hết năm này qua năm khác.
Để hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Năm 2001, BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác Biên phòng Rào Tre thuộc Ðồn Biên phòng Bản Giàng. Tổ công tác được bố trí đóng quân ngay trong bản Rào Tre, với nhiệm vụ trực tiếp giúp dân xây dựng, ổn định cuộc sống lâu dài.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre là một trong những người có thời gian gắn bó lâu năm với đồng bào Chứt. Nhớ lại ngày đầu, anh Tịnh chia sẻ: “Khi mới về đây, từ người già đến trẻ em đều không biết chữ, chỉ vài người biết tiếng phổ thông. Chúng tôi muốn truyền đạt thông điệp gì cũng rất khó, chỉ còn cách làm trước, giải thích sau”.
Cùng với sự vào cuộc của Bộ đội Biên Phòng, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ người Chứt ở Rào Tre sớm ổn định cuộc sống. Giờ đây, người Chứt đã biết trồng cây lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Hồ Đoỏng một người nhiều tuổi nhất bản, cũng là người thuộc thế hệ đầu được đưa từ hang đá về Rào Tre định cư chia sẻ: Bà con dân bản biết ơn Đảng, Bác Hồ, biết ơn BĐBP nhiều lắm. Nếu không có BĐBP phát hiện, đưa về định cư ở bản Rào Tre thì không biết người Chứt sẽ đi đâu, về đâu trong rừng sâu, suối thẳm.
Hồi sinh mạnh mẽ sau hơn 30 năm định cư
Từ 18 người cui cút trong hang đá, giờ đây cộng đồng người Chứt ở Rào Tre đã có 155 nhân khẩu. Đã có những em học sinh người Chứt ở đây đỗ đại học… người Chứt đã hồi sinh mạnh mẽ sau hơn 30 năm định cư ở Rào Tre.
Rào Tre không còn xa xôi cách trở, giờ đây người Chứt đã quần tụ thành một xóm nhỏ của xã Hương Liên (Hương Khê) với đầy đủ các thiết chế như nhà văn hóa, đường giao thông thuận lợi… Trẻ em được đến trường đầy đủ. Với hơn 3ha lúa nước, người Chứt đã phần nào làm chủ được lương thực. Không những thế, trong bản ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình khá giả, như gia đình Trưởng bản Hồ Thị Kiên là một ví dụ điển hình. Hiện nay gia đình chị có 4 con trâu, bò, ngoài ra, còn nuôi thêm lợn, gà… không những đủ ăn mà gia đình chị còn có để bán. Có tiền, các con chị được chăm sóc, học hành ngày một chu đáo hơn.
Điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, theo đó những hủ tục cũng được bài trừ, thay vào đó bà con hình thành nếp sống văn minh hiện đại. Nếu trước đây, phụ nữ Chứt mỗi kỳ sinh nở đều phải dựng chòi ngoài bìa rừng tự vượt cạn… thì nay, mỗi lần sinh nở, chị em được đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi. Đó là một trong những lý do làm cho nhân khẩu người Chứt ở Rào Tre phát triển trong những năm gần đây.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP, vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cũng đang dần được đẩy lùi. Giờ đây, những thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng đã vượt đỉnh Giăng Màn đi tìm hạnh phúc lứa đôi không còn là chuyện hiếm. Bà con đã hiểu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân làm cho nòi giống bị suy kiệt. Cùng với nhận thức thay đổi, chính quyền địa phương cũng đã mở ra nhiều kênh khác nhau để người Chứt ở Rào Tre tăng cường giao lưu, kết nối với các địa phương khác để đồng bào tăng cường giao thương phát triển kinh tế, mở rộng kết nối để giao lưu văn hóa.
Cùng với những bước thăng trầm trên chặng đường an cư ở Rào Tre, người Chứt đã có những bước tiến dài trên đường hội nhập. Chuyện học sinh người Chứt ở Rào Tre đỗ đại học tưởng chừng như khó nay đã trở thành hiện thực. Kỳ tuyển sinh năm học 2020 - 2021, Hồ Thị Sương ở bản Rào Tre đỗ đại học như đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục ở Rào Tre của người Chứt. Em Sương như là một minh chứng cho sự hội nhập toàn diện của người Chứt ở dưới chân núi Ka Đay, đó cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học sinh ở Rào Tre vươn lên lập thân, lập nghiệp bằng con đường học tập.