Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Craft Link - 27 năm đồng hành cùng đồng bào DTTS

Trương Vui - 20:00, 08/08/2023

Bằng những dự án ý nghĩa vì cộng đồng, Craft Link đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Đồng thời tác động tích cực đến quá trình phát triển bền vững thông qua việc tìm kiếm thị trường, mở ra cơ hội đưa các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bằng những dự án ý nghĩa vì cộng đồng, Craft Link đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS (Ảnh: Craft Link)
Bằng những dự án ý nghĩa vì cộng đồng, Craft Link đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS (Ảnh: Craft Link)

“Giữ màu” văn hóa

Công ty Cổ phần (CTCP) Doanh nghiệp xã hội Craft Link được thành lập từ năm 1996, với mục đích hỗ trợ các nhóm đồng bào DTTS, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề trong việc khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng.

Trải qua hơn 27 năm thành lập và phát triển, đến nay, Craft Link đã thực hiện được 41 dự án, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La… Qua đó hỗ trợ rất nhiều nhóm đồng bào DTTS trong việc khôi phục nghề truyền thống của dân tộc mình.

Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc CTCP Doanh nghiệp xã hội Craft Link cho hay, thông thường khi bắt đầu dự án, Craft Link thường lựa chọn một nhóm tiêu biểu khoảng 30 chị em còn giữ nghề thêu, dệt truyền thống để phát huy các kỹ năng sản xuất hàng thủ công, từ đó khéo léo lồng ghép các họa tiết hoa văn này vào các sản phẩm được thiết kế với tính năng sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đồng thời vẫn giữ được bản sắc truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên, khi giới thiệu các sản phẩm này đến với công chúng, Craft Link cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, trước những họa tiết bắt mắt, công chúng thường chỉ chú ý đến hình ảnh bên ngoài của sản phẩm. Cái khó là làm thế nào để thông qua những sản phẩm đó, có thể tạo nên sự tò mò, gợi hứng thú để tìm hiểu, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa riêng biệt.

Ngoài hoạt động kinh doanh, Craft Link còn tổ chức các buổi trình diễn nghề thêu, dệt truyền thống của các đồng bào DTTS, để công chúng được trực tiếp tham gia, trải nghiệm (Ảnh: Craft Link)
Ngoài hoạt động kinh doanh, Craft Link còn tổ chức các buổi trình diễn nghề thêu, dệt truyền thống của các đồng bào DTTS, để công chúng được trực tiếp tham gia, trải nghiệm (Ảnh: Craft Link )

Chính vì vậy, Craft Link quyết định đưa đến cho khách hàng câu chuyện đằng sau những họa tiết đó, về văn hóa, về kỹ thuật kỳ công của nghệ nhân, gắn với không gian tạo ra từng sản phẩm…

Từ việc sản xuất các clip ngắn giới thiệu văn hóa từng nhóm DTTS (cả tiếng Anh và tiếng Việt), quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, đến tạo các QR code đính kèm, không những giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, mà hơn thế nữa là hướng đến lan tỏa những giá trị văn hóa ẩn đằng sau.

“Nhờ đó, khách hàng, đặc biệt là khách quốc tế sẽ thấy được giá trị và càng yêu thích sản phẩm đó hơn. Đây là yếu tố quan trọng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của từng nhóm DTTS, góp phần phát triển bền vững nghề truyền thống”, bà Lan cho hay.

Bà Lan cũng nhấn mạnh, điều khiến bà thấy tự hào hơn cả khi thực hiện các dự án, chính là tính lan tỏa rất lớn ngay trong cộng đồng các dân tộc. Bản thân các nhóm viên khi ý thức được việc giữ gìn nghề truyền thống, sẽ sẵn sàng truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho con, cho cháu mình. Bà truyền cho mẹ, mẹ lại truyền cho con, để những kỹ thuật thêu độc đáo sẽ mãi được nối dài.

“Có dự án khi kết thúc, số thành viên tham gia nhóm nhân lên rất nhiều. Ví dụ như nhóm Dao đỏ tại Tả Phìn, bắt đầu với 30 chị em, nhưng khi kết thúc dự án, con số này đã lên đến 300, một tín hiệu đáng mừng trong hành trình thực hiện sứ mệnh giữ màu sắc văn hóa mà Craft Link đã đặt ra”, nữ Giám đốc chia sẻ.

Các dự án vì cộng đồng của Craft Link không chỉ giúp bà con vùng đồng bào DTTS gìn giữ nghề truyền thống, mà còn được học thêm nhiều kỹ năng về quản lý nhóm, kinh doanh (Ảnh: Carft Link)
Các dự án vì cộng đồng của Craft Link không chỉ giúp bà con vùng đồng bào DTTS gìn giữ nghề truyền thống, mà còn được học thêm nhiều kỹ năng về quản lý nhóm, kinh doanh (Ảnh: Craft Link)

Những dự án vì cộng đồng

Ngoài sứ mệnh phát triển nghề truyền thống, quảng bá đến công chúng trong và ngoài nước về văn hóa của các DTTS, Craft Link cũng hướng đến giúp tăng thu nhập cho cộng đồng. Để làm được điều đó, thông thường một dự án sẽ cần khoảng 2 năm đồng hành cùng bà con, bắt đầu từ việc thành lập nhóm, quản lý ban đầu, đến việc thiết kế, hoàn thiện, marketing và phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian triển khai dự án, nhóm sẽ được tham gia tập huấn bởi trực tiếp các thành viên của Craft Link. Khi nhóm đã cơ bản có nội lực, kinh nghiệm và có thể tự quản lý, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào 3 mảng chính: thiết kế, phát triển sản phẩm và marketing, tiêu thụ sản phẩm thông qua cả 3 kênh: bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu.

Một trong những thành công của các dự án mà Craft Link thực hiện chính là góp phần lan tỏa tình yêu, ý thức bảo tồn nghề truyền thống ngay trong chính cộng đồng các dân tộc (Ảnh: Carft Link)
Một trong những thành công của các dự án mà Craft Link thực hiện chính là góp phần lan tỏa tình yêu, ý thức bảo tồn nghề truyền thống ngay trong chính cộng đồng các dân tộc (Ảnh: Craft Link)

Nhờ đó, những sản phẩm thủ công truyền thống tưởng chừng như chỉ quẩn quanh nơi miền núi, đến nay đã vươn ra cả những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, mang theo những nét đẹp văn hóa vùng đồng bào DTTS vươn đến mọi miền, qua đó cũng góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

“Trước đây, các sản phẩm thủ công chỉ dùng trong gia đình, chưa tạo ra nguồn thu nhập. Sau hơn 2 năm thực hiện, chúng tôi vừa có thể duy trì được nghề truyền thống, vừa có thể bán chúng, trang trải cho cuộc sống hàng ngày”, nghệ nhân Sùng Thị Xé, dân tộc Mông, một trong những thành viên thuộc nhóm dự án mà Craft Link hỗ trợ cho biết.

Hiện Craft Link có 2 mảng chính là kinh doanh và phát triển. Tại mảng kinh doanh, doanh nghiệp đang hỗ trợ các nhóm sản xuất quảng bá và tiêu thụ hàng hóa. Còn ở mảng phát triển, Craft Link sẽ dùng chính nguồn thu từ hoạt động kinh doanh để hỗ trợ ngược trở lại cho chính các nhóm sản xuất, mà không nhận tài trợ từ bất kỳ tổ chức nào.

Gian hàng của Craft Link trưng bày sản phẩm truyền thống
Gian hàng của Craft Link trưng bày sản phẩm truyền thống

Bởi vậy, kinh phí thực hiện các dự án chính là vấn đề mà Craft Link gặp nhiều khó khăn nhất, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, với những ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, giao thông, đường xá, sự bất đồng ngôn ngữ cũng là những rào cản, thách thức lớn trong quá trình thực hiện các dự án vì cộng đồng.

“Song, điều giúp cho chúng tôi giữ được động lực trong hơn 27 năm qua, đó là nhìn thấy sự thay đổi của chính các thành viên tham gia dự án, thu nhập tăng, nội lực cải thiện, nâng cao tiếng nói, vai trò của chị em trong gia đình và xã hội. Đồng thời, các dự án lan toả giá trị văn hóa dần được cộng đồng trong nước và quốc tế đón nhận, đánh giá cao. Những thành quả ấy dù rất nhỏ nhoi, nhưng chúng tôi luôn trân quý, là động lực lớn lao để mỗi thành viên cùng cố gắng trong các dự án tiếp theo”, bà Lan cho hay. 

Tin cùng chuyên mục
Đêm hội tôn vinh Áo dài Huế với chủ đề ‘'Linh Phụng’’

Đêm hội tôn vinh Áo dài Huế với chủ đề ‘'Linh Phụng’’

Tối 23/9, tại Nhà hát sông Hương, TP. Huế diễn ra Chương trình Lễ hội Áo dài Huế 2024. Năm nay các bộ sưu tập của các nhà thiết kế có chủ đề “Linh Phụng”. Đây là điểm nhấn của chuỗi các hoạt động Lễ hội Festival mùa Thu Huế 2024.