Khơi niềm đam mê văn hóa truyền thống
Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS, những loại hình văn hóa phi vật thể luôn là sợi dây gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, do sự tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa bị mất đi hoặc có nguy cơ mai một. Do đó, khơi dậy tình yêu, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Hiện nay, xã Ba Thành (huyện Ba Tơ) là nơi duy nhất có đồng bào Hrê giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ người Hrê ở Làng Teng có tình yêu với thổ cẩm ăn sâu trong máu thịt. Sau khi thổ cẩm làng Teng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngọn lửa tình yêu với thổ cẩm lại được thổi bùng lên trong thế hệ trẻ, mang đến luồng gió mới cho nghề truyền thống của cha ông.
Điển hình trong số những người trẻ “nặng lòng” với thổ cẩm là Phạm Thị Y Hòa. Theo học ngành Y nhưng sau đó, Y Hòa lại chuyển sang ngành Giáo dục mầm non. Tuy nhiên, Y Hòa lại không theo nghề giáo mà quay về quê để khởi nghiệp bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
“Mình khởi nghiệp với thổ cẩm là muốn lưu giữ những nét đẹp đặc trưng, truyền thống của người Hrê. Đích đến cuối cùng của mình là quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê đến nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Vì thế, có khách hàng mua sản phẩm nhưng lại yêu cầu biến tấu thêm họa tiết, mình đều từ chối. Bởi lẽ, hoa văn thổ cẩm của người Hrê có bản sắc văn hóa riêng, không thể tùy tiện thay đổi”, Y Hòa chia sẻ.
Tại huyện Trà Bồng, những năm gần đây, chính quyền luôn quan tâm đầu tư gìn giữ các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Co như các lễ hội, làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ; nghệ thuật điêu khắc trên cây nêu, gurbla; bảo tồn những bài chiêng, điệu múa, các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Co... Trong hành trình đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của các nghệ nhân.
Đã từ rất lâu, ngôi nhà của Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn trở thành lớp học đánh chiêng, hát xà ru, a giới... của bao chàng trai, cô gái người Co. Không chỉ dạy thực hành, các nghệ nhân còn lồng ghép những câu chuyện thú vị để lớp trẻ am hiểu sâu sắc hơn về những giá trị đặc biệt trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Như đấu chiêng của người Co thể hiện cả trí lực và thể lực của người tham gia. Bởi thế, thường chỉ có những trai làng khỏe mạnh, tài trí nhanh nhẹn mới được già làng chọn vào đội tham gia. Muốn lớp trẻ theo học và đam mê thì mình phải đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống vốn luôn tiềm ẩn trong mỗi người, từ khi họ mới sinh ra.
Luồng gió mới từ Chương trình MTQG 1719
Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu đang dần bị mai một hoặc biến đổi. Đơn cử như Không gian văn hóa cồng chiêng đang mất dần đi sự linh thiêng vốn có và dần bị thu hẹp lại. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết, theo thống kê năm 2007, huyện Ba Tơ có hơn 2.000 hộ gia đình có chiêng trong tổng số hơn 10,4 nghìn hộ dân (chiếm 1/5 dân số địa phương) và có gần 2.300 bộ chiêng, thì đến năm 2020, huyện chỉ còn 902 hộ gia đình có chiêng, với 890 bộ chiêng.
Còn tại huyện Sơn Tây cũng như vậy. Nếu như năm 2007, toàn huyện có 442 hộ có chiêng trong tổng số 3.990 hộ dân, với 575 bộ chiêng thì nay chỉ còn khoảng 300 bộ chiêng... Số người biết đánh chiêng và chỉnh chiêng đang giảm dần theo thời gian, do quá trình trao truyền bị đứt quãng khi các nghệ nhân qua đời. Trang phục của đồng bào DTTS được xem là di sản văn hóa dễ bảo tồn, sở hữu và sử dụng thông dụng hơn cồng chiêng nhưng cũng dần bị mai một…
Đứng trước thực trạng trên, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ngãi đã có những giải pháp, hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Đặc biệt, Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 – 2030) đang tập trung cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS. Để triển khai Dự án 6, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã điều tra, khảo sát địa điểm thực hiện 2 nội dung đầu tư công đối với Dự án Đầu tư, bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Co tại huyện Trà Bồng; Dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Di tích Quốc gia đặc biệt về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Các huyện đã tổ chức được 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Trà Bồng và Sơn Tây…
Ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi chia sẻ: Chúng tôi đang tiếp tục lồng ghép, huy động các nguồn lực để chăm lo, phát triển đời sống cho các nghệ nhân; quan tâm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức làm công tác văn hóa ở cơ sở; tiếp tục kiểm kê, có phương án gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc…