Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua góc nhìn về chính sách đối với nghệ nhân: Nhọc nhằn mưu sinh (Bài 2)

Lê Hường - Ngọc Thu - 10:33, 13/07/2023

Trong số hàng trăm Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng, cuộc sống của không ít người còn vô vàn khó khăn. Họ miệt mài gìn giữ, trao truyền giá trị văn hóa, nhưng lại vất vả mưu sinh trong cuộc sống thường ngày.

Nghệ nhân H’Săn Êban là người nắm giữ bí quyết đánh trống dẫn nhịp chiêng Jho duy nhất của người Ê Đê Bih
Nghệ nhân H’Săn Êban là người nắm giữ bí quyết đánh trống dẫn nhịp chiêng Jho duy nhất của người Ê Đê Bih

Cuộc sống khó khăn

Cả đời gắn bó với chiếc trống dẫn nhịp cho cả đội chiêng hợp tấu, cuộc sống của nghệ nhân ưu tú H’Săn Êban ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) vẫn còn không ít khó khăn.

Căn nhà cũ kỹ của gia đình nghệ nhân ưu tú H’Săn Êban cùng con gái và các cháu nằm tĩnh lặng giữa khoảng đất trống rộng thênh thang, cách nhà văn hóa cộng đồng buôn Trấp chỉ vài chục mét.

Nghệ nhân H’Săn bảo: Từ khi còn nhỏ già đã theo bà, theo mẹ đi lễ hội xem các bà, các cô trong đội chiêng của buôn hợp tấu chiêng Jho, múa xoang và ấn tượng với chiếc trống da trâu dẫn nhịp. Rồi âm thanh, nhịp điệu của trống cứ thế ngấm vào người. Sau này lớn lên tham gia đội chiêng già đã được xếp ngay vào vị trí đánh trống. Từ đó già cùng đội chiêng nữ đi biểu diễn ở nhiều chương trình trong, ngoài tỉnh và tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, trống cho thế hệ trẻ, trẻ em gái ở buôn làng.

Vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc năm 2019, nhưng cuộc sống thường ngày của Nghệ nhân H’Săn vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn. “Bây giờ tuổi già đã cao, sức khỏe cũng yếu rồi, không thể lên nương, lên rẫy được nữa, chỉ phụ giúp con cái việc nhà. Lúc rảnh rỗi hay khi có lớp truyền dạy đánh chiêng thì già tham gia truyền dạy cho các cháu thôi. Ngoài tiền hỗ trợ giảng dạy, già không có phụ cấp hay hỗ trợ gì khác”, Nghệ nhân H’Săn chia sẻ.

Tương tự, nghệ nhân A Líp, làng Groi, xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai được những đứa trẻ làng Groi yêu quý gọi là cha, được coi là sứ giả truyền lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ sau, giúp họ hiểu rõ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Ông không chỉ giỏi đánh chiêng mà có tài chỉnh chiêng và chơi nhạc cụ dân tộc, dành thời gian nghiên cứu sâu về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Ông cũng chính là người truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ bằng việc mở lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho những người trẻ trong vùng nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này. Nhờ đó, xã Glar có các đội cồng chiêng trẻ đi biểu diễn nhiều nơi.

A Lip chia sẻ: “Dù bận rộn đi chỉnh chiêng ở nhiều nơi nhưng mình vẫn dành thời gian tối thứ bảy và chủ nhật để truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên tại nhà riêng. Thấy các cháu đam mê đánh cồng chiêng, mình thấy vui lắm, vì mình đã có truyền nhân, không sợ tiếng cồng chiêng bị mất đi. Con cháu sau này sẽ thay mình đánh cho làng nghe, đánh cho Yàng biết”.

Nghệ nhân A Lip - Người níu giữ thanh âm đại ngàn
Nghệ nhân A Lip - Người níu giữ thanh âm đại ngàn

Với những cống hiến của mình, năm 2019, Nghệ nhân A Líp vinh dự được phong tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, phía sau danh hiệu cao quý, không chỉ là niềm tự hào mà còn đó cuộc sống khó khăn. Nghệ nhân A Lip tâm sự: Gia đình làm nông, cuộc sống cũng còn những khó khăn mà giờ tuổi cũng ngày càng cao nên cũng không thể trọn vẹn đam mê với nghề. Giá mà có sự hỗ trợ một phần nhỏ nào đó để tôi có thể nuôi dưỡng được niềm đam mê với tiếng chiêng, tiếng trống. Chứ ngày ngày nghĩ cách no bụng thôi cũng vất vả thì khó có thể yên tâm nuôi dưỡng đam mê và truyền dạy cồng chiêng”.

Chính sách hỗ trợ là cần thiết

Cuộc sống của đa số nghệ nhân trong các buôn làng còn khó khăn, nhưng họ vẫn cống hiến hết mình để gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

Qua 3 đợt xét tặng, thị trấn Buôn Trấp, huyện huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có 7 NNƯT. Các nghệ nhân được công nhận là những nghệ nhân gạo cội nhất của địa phương.

Ông Trần Viết Dụ - cán bộ văn hóa thị trấn Buôn Trấp cho biết: Mỗi năm Hè về, các bà, các chị người Ê Đê Bih ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana lại tập hợp trẻ gái trong buôn đến nhà văn hóa cộng đồng trong buôn để truyền dạy đánh chiêng Jho, vừa để thỏa mãn niềm đam mê văn hóa dân tộc vừa để truyền lại giá trị văn hóa dân tộc cha ông để lại. Các bác thường xuyên tham gia vào các hoạt động bảo tồn, trực tiếp đi biểu diễn, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Nhưng từ trước tới giờ, các nghệ nhân chỉ được nhận 1 lần hỗ trợ kinh phí khi được vinh danh thôi, chưa có khoản trợ cấp nào. Đợt trước chúng tôi có làm hồ sơ hỗ trợ cho một số nghệ nhân theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc cho nghệ nhân già có hoàn cảnh khó khăn, nhưng mà đến giờ chưa thấy có.

“Mặc dù đa số các nghệ nhân cuộc sống còn khó khăn, nhưng các bác vẫn miệt mài trao truyền lại cho con cháu, người thân trong gia đình mà không ai đòi hỏi quyền lợi vật chất nào”, ông Trần Viết Dụ cho biết thêm.

Các nghệ nhân trình diễn Lễ Kết nghĩa anh em của người Ê Đê
Các nghệ nhân trình diễn Lễ Kết nghĩa anh em của người Ê Đê

Hiện nay, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai có 3 NNƯT về chỉnh chiêng và kể khan. Bà Đặng Thị Hoài - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Đắk Đoa, cho biết: Ngoài kinh phí khi được vinh danh NNƯT, thì các nghệ nhân ở đây không hưởng chế độ gì, không thuộc diện gia đình khó khăn và cũng không có lương hưu. Nếu theo các đoàn đi biểu diễn thì nghệ nhân hầu hết tuổi cao cũng không đủ sức. Thế nên những nghệ nhân ở đây rất mong muốn có thêm nguồn hỗ trợ, chế độ duy trì danh hiệu cho các nghệ nhân được vinh danh nhằm vơi bớt khó khăn cuộc sống, tập trung vào đam mê văn hóa dân tộc.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại nhận định: Các nghệ nhân là “linh hồn”, “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay đa số các nghệ nhân đã lớn tuổi, già yếu và có người đã mất, số lượng nghệ nhân ngày càng giảm, việc duy trì truyền dạy, thực hành di sản cho thế hệ kế cận gặp nhiều khó khăn. Đa số các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, do tuổi cao, sức yếu, không có khả năng lao động để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Những nghệ nhân được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ.

Đóng góp của đội ngũ NNƯT, Nghệ nhân Nhân dân ai cũng thấy rõ. Nhà nước cũng đã ghi nhận những công hiến của nghệ nhân bằng việc phong tặng các danh hiệu cao quý và chính sách hỗ trợ. Điều đó phần nào động viên tinh thần các nghệ nhân. Tuy nhiên, bên cạnh số ít nghệ nhân được tôn vinh, còn hàng vạn nghệ nhân không có danh phận vẫn âm thầm cống hiến.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.