Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Gié Triêng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Tùng Lâm - 10:20, 23/06/2023

Thời gian qua, để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Gié Triêng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng người dân xã Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã nỗ lực, chung tay bảo tồn những nét đẹp văn hoá của người Gié Triêng.

Người Gié Triêng ở xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi vẫn giữ gìn nghề dệt truyền thống.
Người Gié Triêng ở xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi vẫn giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Vừa qua, bà con cùng chính quyền xã Đắk Dục phấn khởi khi “Nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Gié Triêng” được khánh thành và bàn giao. Nhà trưng bày được xây dựng trong khuôn viên nhà của già làng, nghệ nhân Brol Vẻ, người đam mê, sưu tầm, gắn bó với các nhạc cụ văn hoá dân tộc Gié Triêng.

Già Brol Vẻ chia sẻ: “Trước đây, tôi có một ngôi nhà ván cũ kỹ, trưng bày các nhạc cụ, các sản phẩm văn hoá của người Gié Triêng. Giờ đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cho ngôi nhà sàn để trưng bày các sản phẩm, tôi phấn khởi lắm. Khách đến chơi, tôi tự tin mở cửa cho họ tham quan. Ngôi nhà cao ráo, thông thoáng và rất sạch sẽ”.

Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Dục cho biết: Vừa qua, xã được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng một ngôi nhà trưng bày các nhạc cụ, sản phẩm văn hoá của dân tộc Gié Triêng. Số tiền trên chưa đủ để mua vật liệu dựng được căn nhà kiên cố, vì thế xã đã mua lại căn nhà bằng ván của người dân, sau đó đổ các trụ bê tông thay thế cột nhà sàn. Cùng với đó, xã đã vận động người dân đóng góp gần 100 ngày công để xây dựng nhà trưng bày với 23 loại nhạc cụ.

Đồng bào phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xây dựng “Nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Gié Triêng”.
Đồng bào phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xây dựng “Nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Gié Triêng”.

Theo bà Y Két, thôn Đắk Si: Từ xưa đến nay, những lúc nông nhàn là tôi lại mang khung ra dệt. Những chiếc túi lên rẫy, chiếc váy diện lễ hội… đều do tự tay tôi dệt. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết phụ nữ ở đây vẫn yêu nghề dệt.

Ngoài nghề dệt truyền thống, nghề đan lát vẫn được bà con Gié Triêng nơi đây giữ gìn. Ông A Lếu, một thợ đan lát giỏi ở thôn Đắk Si chia sẻ: Với người Gié Triêng ngày xưa, phụ nữ phải biết dệt còn đàn ông phải biết đan lát. Chiếc gùi là vật bất ly thân mỗi khi người Gié Triêng lên rẫy, vào rừng. Cùng với gùi, người Gié Triêng còn đan túi và các vật dụng khác…

Ông Bloong Hâm cho biết thêm: Hiện tại, trên địa bàn xã Đắk Dục có 68 người biết chế tác và chơi nhạc cụ dân tộc, 68 người duy trì nghề dệt, 70 người giữ nghề đan lát, có 10 thợ rèn, 30 người duy trì nghề nấu rượu cần, 45 người chế tác nỏ, 11 người làm thịt heo gác bếp, 3 người giữ nghề tạc tượng.

Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện cùng Đội nghệ nhân thôn Đắk Răng mở 2 lớp học, trong đó 1 lớp dạy làm du lịch cộng đồng với 29 học viên tham gia và 1 lớp dạy đánh cồng chiêng.

“Chúng tôi đang tuyên truyền người dân giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; phối hợp với các gia đình, nghệ nhân trong xã vận động các thế hệ trẻ tham gia các lớp truyền dạy văn hoá, học hỏi làm nhạc cụ, nghề truyền thống từ ông bà, cha mẹ để văn hoá dân tộc Gié Triêng tiếp tục được duy trì và phát huy trong tương lai”, ông Bloong Hâm cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.