Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

PV - 19:12, 07/02/2023

Xác định giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, tỉnh Kon Tum có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS.

Đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc thi, giao lưu về văn hóa truyền thống giữa các cộng đồng DTTS. Ảnh: H.T
Đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc thi, giao lưu về văn hóa truyền thống giữa các cộng đồng DTTS. Ảnh: H.T

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã nỗ lực tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn. Từ đó, đã đạt nhiều kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

Đến nay, nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS đã được nghiên cứu, phục dựng như: Lễ ăn lúa mới của dân tộc Brâu; lễ bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng, lễ cầu an của dân tộc Gia Rai, lễ ăn than của dân tộc Gié Triêng, lễ mở kho lúa của dân tộc Rơ Măm, nâng tổng số lễ hội truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được phục dựng là 36 lễ hội.

Thực hiện bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2030, từ năm 2020 đến nay đã triển khai hiệu quả với nhiều nội dung như: Kiểm kê trang phục, nghề thủ công truyền thống; tổ chức đưa đoàn nghệ nhân tham gia học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thực hiện mỹ thuật số hóa hoa văn trang phục; lập hồ sơ khoa học về nghề dệt, trang phục thổ cẩm của dân tộc Ba Na, Gia Rai đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia; tổ chức nhiều lớp truyền dạy đạt hiệu quả cao...

Trong công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2022 có 100% làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông. Đến nay, công tác xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống các DTTS được các địa phương tích cực triển khai thực hiện, tiêu biểu có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông đạt tỷ lệ từ 98-100% thôn, làng đồng bào DTTS có nhà rông truyền thống.

Tỉnh cũng chú trọng bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Đến nay, đã trang bị thêm 98 bộ cồng chiêng, trống cho các làng đồng bào DTTS không có cồng chiêng (đạt gần 82% kế hoạch); tổ chức 45 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang với trên 1.500 học viên tham gia; tổ chức lớp truyền dạy chỉnh âm cồng chiêng; phục dựng lễ hội truyền thống; thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được chú trọng, tổ chức thường xuyên để tạo môi trường cho văn hóa truyền thống có cơ hội phát huy và gìn giữ như: “Ngày hội Văn hóa-Thể thao các DTTS”; “Tuần Văn hóa -Du lịch”; “Diễn xướng dân gian các DTTS”; “Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022”; các hoạt động giao lưu văn hóa khác do Trung ương và địa phương tổ chức...

Nhiều chương trình, lễ hội văn hóa truyền thống của các DTTS được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: HT
Nhiều chương trình, lễ hội văn hóa truyền thống của các DTTS được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: HT

Tỉnh Kon Tum hiện cũng đã xây dựng hồ sơ khoa học về “Lễ Et ‘Dông” của dân tộc Ba Na (nhóm Jơ Lâng) và được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia (tại Quyết định số 173/QĐ-BVHTTDL ngày 27/5/2021). Ngoài ra, tỉnh hiện có nhiều nghệ nhân giỏi, xuất sắc được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” với 89 nghệ nhân.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VT-TT&DL, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn còn một số khó khăn nhất định, cần sự chung tay, quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện. Có thể kể đến như môi trường không gian duy trì văn hóa truyền thống đang dần bị hạn chế; nguyên vật liệu phục vụ các hoạt động văn hóa truyền thống ngày càng khan hiếm; nhiều loại hình văn hóa truyền thống đang bị mai một và mất đi; nguồn kinh phí, nhân lực còn hạn chế; một số địa phương chưa quan tâm sát sao trong công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, trao truyền trong lớp trẻ các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò của các nghệ nhân tiêu biểu trong cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu văn hoá truyền thống các DTTS của tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá trong và ngoài tỉnh” - ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.