Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Múa nghi lễ của đồng bào DTTS

Ngọc Ánh (T/h) - 19:22, 11/09/2021

Trong lĩnh vực múa dân gian, có những điệu múa của đồng bào DTTS chỉ xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống, gắn với không gian linh thiêng nên ít khi xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn. Tiêu biểu như điệu múa chiêu của dân tộc Xơ Đăng và các điệu múa chuông, múa rùa, múa dao, múa kiếm... của dân tộc Dao.

Đồng bào Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở vùng cao Quảng Nam múa chiêu trong Lễ hội Ăn trâu
Đồng bào Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở vùng cao Quảng Nam múa chiêu trong Lễ hội Ăn trâu

Già làng Hồ Văn Ruổi ở nóc Đắk Ta (thôn 4), xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết, điệu múa chiêu là múa nghi lễ có từ thời xa xưa, là phương tiện giao tiếp biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với các vị thần linh thông qua ngôn ngữ. Điệu múa chiêu của người Xơ Đăng chỉ xuất hiện ở những lễ hội có các con vật hiến sinh thần linh như: Lễ hội Ăn trâu huê, Lễ mừng cơm mới, Lễ mừng sức khỏe cộng đồng... 

Khi tham gia múa chiêu, đội múa phải mang số chẵn, thường mỗi đội có từ 8-16 người. Trong đội múa chiêu, nam nữ Xơ Đăng tay nắm chặt tay trong vòng chiêu đối diện nhau, nhún theo nhịp chiêng, thanh la và trống xoay từ từ đến 180 độ, rồi xoay trở lại về vị trí ban đầu. Theo quy trình, vòng múa chiêu di chuyển chậm quanh cây nêu hoặc nơi đặt mâm lễ cúng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Bàn chân của người múa gần như không chạm đất, mà chỉ dùng gót chân và mũi bàn chân nhích dần theo hướng dịch chuyển.

Đồng bào Xơ đăng thường múa chiêu trong các nghi lễ hiến tế (Ảnh TL)
Đồng bào Xơ đăng thường múa chiêu trong các nghi lễ hiến tế (Ảnh TL)

Điệu múa chiêu mang tính nghệ thuật rất cao, đậm đặc ngôn ngữ múa dân gian. Yếu tố tạo hình được kết hợp với động tác vô cùng uyển chuyển, linh hoạt của đàn ông, phụ nữ Xơ Đăng. Khi hòa cùng với nhịp chiêng, thanh la và trống trong các lễ hội truyền thống thì múa chiêu không dồn dập, rộn rã thúc giục mà luôn chậm rãi khoan thai, đĩnh đạc. Người múa dù xoay về hướng nào thì hai cánh tay đều đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau với vẻ mặt luôn cung kính, mời thần linh nhận những vật hiến tế, đồng thời cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho cộng đồng luôn khỏe mạnh, đoàn kết, mùa màng bội thu... thóc lúa đầy kho, trâu bò, gà đầy chuồng. Sự thành kính trong động tác múa chiêu của người múa làm tăng thêm yếu tố tâm linh, huyền bí của lễ hội.

Còn múa chiêu trong đám tang ma khi gia đình có người chết thì hai tay của đàn ông, phụ nữ Xơ Đăng bao giờ cũng giang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Nửa thân người phía trên chao nhẹ theo nhịp cồng chiêng, thanh la tạo cảm giác lâng lâng, bay bổng.

Điệu múa chuông của người Dao Quần chẹt (Quảng Ninh)- Ảnh TL
Điệu múa chuông của người Dao Quần chẹt (Quảng Ninh)- Ảnh TL

Đối với đồng bào Dao cũng có nhiều điệu múa nghi lễ như múa dao, múa chuông, múa chạy cờ, múa rùa... Thạc sĩ Lê Công Luận, Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ) cho biết, ở Phú Thọ, đồng bào Dao thường biểu diễn các điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm, múa cờ… trong Lễ Tết nhảy và Lễ Cấp sắc. Ở đó, các nghi lễ cúng tổ tiên đều có khấn tụng và nhảy múa được tổ chức liên tục suốt ngày. Nội dung các bài múa như là sự tái diễn quá trình Bàn Vương luyện binh kiếm để bảo vệ dân làng. (Bàn Vương là một nhân vật huyền thoại của người Dao).

Về điệu múa chuông có 2 hình thức múa: thầy cúng múa và mọi người cùng tham gia múa. Đầu tiên, hai ông thầy cúng đứng trước bàn thờ, tay phải cầm chuông lắc đi lắc lại từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên, tay trái cầm ngửa que chèo chống nhẹ vào bụng, chân nhún nhẹ. Sau khi ông thầy cúng múa xong thì mọi người trong nhà cùng hòa theo nhịp trống, chiêng, kèn, xập xòe... múa theo vòng tròn đi ngược chiều kim đồng hồ. Mỗi người tham gia múa tay phải cầm chuông, tay trái cầm que vừa nhún bước lên, bước xuống vừa lắc chuông. Tốp này múa liên tục hết 2-3 bài hát thì lùi xuống nghỉ để tốp sau vào múa cho đến hết 18 bài.

Điệu múa rùa (múa bắt ba ba) trong Tết Nhảy của người Dao (Phú Thọ)
Điệu múa rùa (múa bắt ba ba) trong Tết Nhảy của người Dao (Phú Thọ)

Ngoài múa chuông, đồng bào Dao Quần Chẹt còn có điệu múa chạy rùa (còn gọi là múa bắt ba ba) trong Lễ Tết nhảy. Đội hình múa ba ba xếp lượn vòng nối đuôi nhau như múa chuông, ông thầy đi đầu. Khi múa, mọi người lúc đi, lúc chạy lom khom theo hình lượn vòng tròn quanh đàn cúng. Dưới sự chỉ huy của thầy cúng, đội múa diễn tả động tác bắt ba ba đem về mổ, băm, xào, nấu dâng lên Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên. Theo quy định , trong mỗi đám Tết nhảy phải diễn 15 lượt động tác múa ba ba.

Những điệu múa tín ngưỡng trong các nghi lễ của các DTTS nói chung, dân tộc Dao, Xơ Đăng nói riêng thể hiện khát vọng của con người mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời thể hiện những quan niệm răn dạy mọi người về đạo đức, tình yêu thương, đoàn kết cộng đồng. Đây là những di sản văn hóa tinh thần quý giá của các dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.