Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sống trọn đam mê với múa dân gian dân tộc

PV - 09:26, 31/08/2021

Để được công chúng đón nhận những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, biên đạo múa Đỗ Văn Hiền đã phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi suốt quãng đời thanh xuân nhiệt huyết; anh đã thực sự sống với đam mê và không phụ lòng tin yêu của công chúng yêu nghệ thuật múa Việt Nam...

NSƯT, biên đạo múa Đỗ Văn Hiền
NSƯT, biên đạo múa Đỗ Văn Hiền

Mạnh dạn dấn thân vào nghề

Sinh ra và lớn lên nơi làng quê bạt ngàn hương lúa ở xã Dục Tú (Đông Anh - Hà Nội), từ một cậu bé ngày ngày theo mẹ ra đồng mò cua, bắt ốc, rong chơi cùng chúng bạn chăn trâu, cắt cỏ, đến năm 12 tuổi, Văn Hiền thi đỗ vào Học viện Múa Việt Nam. Cứ cuối tuần, anh trai Hiền là Đỗ Quốc Hưng (nay là ca sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân) lóc cóc đạp xe đến đón em về nhà thăm mẹ; chiều chủ nhật hai anh em lại đạp xe đưa nhau về khu Văn công Mai Dịch để kịp hôm sau lên lớp.

Bước chân vào nghệ thuật múa, Văn Hiền đâu nghĩ rằng con đường ấy lại gian truân, vất vả đến thế. Những buổi lên lớp lăn lộn bám dóng, mồ hôi tuôn ướt đẫm sàn tập, thậm chí bật cả móng chân, bong gân, đổ máu... Hiền vẫn cố chịu đựng, tự băng bó rồi nuốt nước mắt vào trong, cứ như vậy cho đến hết 7 năm học chuyên ngành Ballet. Những tràng pháo tay không ngớt của bạn bè, người thân trong buổi lễ tốt nghiệp là động lực thúc đẩy để Văn Hiền tự tin, mạnh dạn dấn thân vào nghề. Anh về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, một đơn vị đứng đầu cả nước về nghệ thuật múa Ballet. Vẫn lại những buổi đổ mồ hôi trên sàn tập, nhưng giờ là cùng đồng nghiệp chau chuốt, chỉnh sửa, rèn rũa nâng cao những tác phẩm Ballet nổi tiếng được công chúng yêu mến. Với lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật và tài năng thiên bẩm về múa đương đại, năm 2002, Văn Hiền may mắn nhận được học bổng du học Pháp. Được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn tại một môi trường lý tưởng, anh đã tranh thủ những tháng ngày quý giá ấy để tích lũy cho bản thân nhiều kiến thức, kinh nghiệm múa đương đại.

Tác phẩm Chóng thần
Tác phẩm Chóng thần

Ngày trở về, mang theo vốn kiến thức phong phú học hỏi được tại nước bạn, Văn Hiền cùng bạn bè, đồng nghiệp thành lập nhóm múa mang tên +84 (mã số điện thoại Việt Nam). Thời điểm đó, nghệ thuật múa đương đại còn khá xa lạ đối với công chúng Việt. Nhóm biên đạo Văn Hiền, Minh Đức, Thi Ngọc đã chung sức dàn dựng Tam nguyên - tác phẩm múa dân gian đương đại đầu tay của nhóm. Sau đó, nhóm tiếp tục xây dựng ý tưởng, tìm tòi theo xu hướng mới phù hợp với Văn hóa Việt Nam và lần lượt ra đời nhiều tác phẩm như +84, Vừng ơi, Là thế… được công chúng yêu nghệ thuật múa đón nhận như những "cơn gió lạ".

Tác phẩm Dâng đàn
Tác phẩm Dâng đàn

Tái hiện nét văn hóa dân tộc độc đáo

Được đào tạo bài bản chuyên sâu về nghệ thuật múa Ballet, cùng với 2 năm du học Pháp, nhưng NSƯT Văn Hiền lại không theo đuổi lâu dài con đường mình đã được đào tạo. Theo anh, nghệ thuật phải luôn mới mẻ, tiếp thu những tinh hoa, xu hướng hiện đại từ các nước phát triển kết hợp với văn hóa truyền thống bản địa thì mới có được sức sống lâu bền. Có lẽ, cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S mới khiến cho Văn Hiền sống trọn được với nghề; niềm đam mê văn hóa các dân tộc Việt Nam trỗi dậy để anh lao vào nghiên cứu, tìm tòi, khai thác và khám phá, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, bởi trong giáo trình giảng dạy của Học viện Múa Việt Nam chưa hề có động tác múa cơ bản của họ. Những tác phẩm múa dân gian đương đại của NSƯT Văn Hiền đã ra đời như thế và được nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước biết đến.

Tác phẩm Sắc ngọt dao Nùng
Tác phẩm Sắc ngọt dao Nùng

Biên đạo rất nhiều nhưng có lẽ cho đến giờ NSƯT Văn Hiền vẫn tâm đắc và yêu thích nhất tác phẩm Chóng thần mà anh xây dựng cho Đoàn nghệ thuật dân tộc Hà Giang tham gia Liên hoan Múa quốc tế năm 2001 tại Ninh Bình. Anh đã tìm thấy mình ở cái chất nghệ sĩ trong âm hưởng dân gian mộng mị, say đắm men tình cùng với âm nhạc đơn giản qua tiếng trống thần của đồng bào Giáy, một dân tộc ít người vùng cao Hà Giang. Nét mới lạ, sự chơi vơi, ma mị, khúc khuỷu trong từng động tác múa kết hợp với tiếng trống thập thùng; cái thần, cái hồn trong âm nhạc và động tác múa hòa quyện vào nhau như chính đời sống nguyên sơ của người Giáy nơi cao nguyên đá Đồng Văn đã khiến cho người xem say đến trọn vẹn, tận cùng…

Tác phẩm Khúc tự tình
Tác phẩm Khúc tự tình

Thường xuyên cộng tác với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vùng cao để xây dựng các chương trình tham gia hội diễn cũng như tác phẩm mới hằng năm, mỗi chương trình NSƯT Văn Hiền lại khai thác một khía cạnh riêng từ chất liệu văn hóa bản địa để gần gũi với cộng đồng dân cư nơi đó. Bản sắc độc đáo được thể hiện trong mỗi tác phẩm múa là sự kết nối từ tinh hoa, khơi nguồn cảm xúc nằm sâu trong tâm hồn nghệ sĩ, hòa điệu với công chúng để mang đến cái lạ, cái mê đắm chạm đến trái tim khán giả. Thích đi nhiều nơi, khám phá, trải nghiệm đời sống dân dã, đặc biệt là đến các bản vùng cao xa xôi, vùng dân tộc thiểu số để thẩm thấu, cảm nhận, lấy chất liệu múa, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng bản địa, từ đó NSƯT Văn Hiền đã nảy ra được nhiều ý tưởng hay để đưa lên sân khấu, tái hiện qua những tác phẩm múa dân gian đương đại...

Không kể đến thành tích trong hoạt động nghệ thuật, chỉ biết rằng người nghệ sĩ ấy vẫn luôn hằng ngày, hằng giờ sáng tạo và đam mê với nghề; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp miền núi vẫn luôn thích được mời NSƯT Văn Hiền cộng tác để cùng anh khám phá chất mộng mị, nguyên sơ, say đắm của mảnh đất và con người nơi đây. Dòng chảy văn hóa cứ xoay vần theo năm tháng nhưng vẫn bền bỉ sống, bền bỉ tồn tại để những người nghệ sĩ như anh khai thác, phát lộ dần từng khía cạnh cho vẹn tròn nét văn hóa ở vùng cao phía Bắc./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.