Nhạc cụ truyền thống của đồng bào hầu hết được làm bằng tre, nứa và đều có nguồn gốc từ những vật dụng quen thuộc để sản xuất, sinh hoạt.
Là một trong số ít người trong cộng đồng dân tộc Khơ-mú ở Điện Biên thành thạo diễn tấu và chế tác sáo mũi, bà Quàng Thị Dua cho biết, tiếng sáo là tiếng lòng của người con gái Khơ-mú nói lên tình yêu gia đình, lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi đến tuổi trưởng thành, cô gái Khơ-mú còn dùng tiếng sao để nói lên tình yêu với chàng trai của đời mình.
Sáo mũi của người Khơ-mú được làm từ những ống tre, nứa cắt thành đoạn để sử dụng. Ống tre được cắt dài khoảng 50cm, 2 đầu được bịt kín bởi 2 đốt của ống tre, trên thân sáo đục 2 lỗ nhỏ, 1 lỗ ở đầu trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ ở đầu dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh. Người thổi sáo phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp, dùng hơi từ mũi thổi vào lỗ sáo để tạo thanh âm và tiết tấu.
Khi biểu diễn sáo mũi, nghệ nhân chỉ dùng một tay vừa giữ cây sáo đúng vị trí, vừa bấm lỗ sáo, còn tay kia múa theo điệu nhạc. Cách tấu sáo của phụ nữ Khơ-mú còn đặc biệt ở chỗ, người độc tấu vừa thổi sáo vừa chen vào giữa những khúc nhạc du dương lời hát trữ tình. Khi biểu diễn họ nhún nhảy, lắc eo theo điệu nhạc, khiến cả thân hình trở nên uyển chuyển. Các bài hát phần lớn đều do họ ứng khẩu theo các làn điệu dân ca cổ.
Theo bà Dua, lớp trẻ ngày nay ít ai còn biết sử dụng và chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Điều kiện sản xuất, cuộc sống cũng có nhiều thay đổi khiến không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khơ-mú bị thu hẹp. Trước tình hình đó, huyện Mường Chà cũng đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cho các thế hệ, trong đó phong trào truyền dạy cho các bạn trẻ ở bản hát dân ca, diễn tấu sáo; đang có chuyển biến tích cực.