Sinh ra trong một gia đình nghèo trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nghệ nhân Vàng Chá Thào rất đam mê tiếng khèn, tiếng sáo. Ông luôn coi việc bảo tồn văn hóa dân tộc như là trách nhiệm, sứ mệnh của bản thân đối với quê hương, dân tộc mình.
Năm 1978, ông Vàng Chá Thào bắt đầu tìm đến các nghệ nhân có tiếng lúc bấy giờ như nghệ nhân Vừ Nhè Cử (xã Lũng Thầu), nghệ nhân Vàng Nhè Chi (xã Phố Cáo) tìm hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của người Mông. Bằng sự đam mê, nhiệt huyết của mình, cùng với sự truyền dạy tận tâm của những người thầy, sau 7 năm miệt mài, tìm hiểu những cái hay, cái đẹp trong các loại hình văn hóa dân gian, ông đã cơ bản học thành thạo các loại nhạc cụ như: khèn, kèn, trống, nhị và các làn điệu dân ca, dân vũ. Từ đó, ông thường xuyên tham gia các ngày hội, ngày lễ do tỉnh, huyện, xã tổ chức tại địa phương.
Luôn tiên trong hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, nghệ nhân Vàng Chá Thào đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xã thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo với hơn 50 thành viên, do ông làm Chủ nhiệm. Hiện nay, Hội Nghệ nhân dân gian hoạt động theo 7 nhóm: Hát và kéo nhị; thầy cúng (hành nghề tín ngưỡng dân gian); thổi khèn, kèn, múa khèn, trống; may trang phục dân tộc; rèn, đúc; dệt vải và làm váy vải lanh. “Cứ 3 tháng, Hội sẽ họp một lần để các thành viên trao đổi những khó khăn trong quá trình hoạt động. Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo luôn tích cực trong hoạt động bảo tồn văn hóa ở địa phương. Các thành viên trong Hội thường xuyên được mời đi tham gia các chương trình giao lưu văn hóa ở huyện, tỉnh để giới thiệu về văn hóa của người Mông huyện Đồng Văn”, nghệ nhân Vàng Chá Thào chia sẻ.
Cùng với các hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian, nghệ nhân Vàng Chá Thào còn vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức của mình để truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ và các trường học trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Chia sẻ về việc làm của mình, nghệ nhân Vàng Chá Thào cho biết: “Bản thân mình thấy rất vinh dự, tự hào khi đến các trường học trên địa bàn xã truyền dạy học sinh múa khèn, tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng người Mông. Ở xã không còn nhiều người am hiểu, biết rõ tín ngưỡng, phong tục truyền thống nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn để truyền dạy, gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa cho thế hệ trẻ để không bị lãng quên, mai một”.
Không chỉ tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, nghệ nhân Vàng Chá Thào còn gương mẫu tham gia tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa... Ông thường xuyên chủ động nắm bắt, nghiên cứu các văn bản, nghị quyết của Đảng, vận dụng vào đời sống; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong xã thay đổi từ nhận thức đến việc làm trong thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang như: Không để tang dài ngày, không mổ nhiều gia súc trong đám tang gây lãng phí và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình; ăn, uống hợp vệ sinh…
Thời gian qua, ông đã vận động được 12/18 thôn thực hiện tốt nội dung trên và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, các dòng họ trên địa bàn xã họp bàn, thống nhất khi gia đình có người chết đưa vào áo quan, để đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống bệnh lây lan; tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết…
Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, nghệ nhân Vàng Chá Thào được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì có thành tích tham gia Ngày hội dân ca, dân vũ tỉnh Hà Giang năm 2014…
HỒNG MINH