Thanh âm của núi
Sau nhiều trận mưa rào, con đường dốc núi dẫn vào thôn Ngòi Rịa, xã Đạo Viện trở nên gập ghềnh, nhấp nhô với những “ổ gà”, đá lởm chởm. Ven đường, tốp thanh niên nam nữ đi bộ, ai nấy dắt túi quần một chiếc điện thoại di động, mở loa ngoài cực lớn véo von tiếng nhạc. Tôi bật cười, khi nghe: “Ở đây chưa phủ sóng điện thoại di động”.
Vừa cầm chắc tay lái, chàng công an trẻ Ly Seo Sử vui vẻ giải thích: “Tục ngữ Mông có câu: “Thiếu tiếng đàn tiếng hát như thiếu muối thiếu cơm”, người Mông yêu âm nhạc, yêu ca hát như yêu chính cuộc sống của mình. Chuyện buồn, chuyện vui họ đều lấy âm nhạc bầu bạn. Người Mông yêu đời, lạc quan, luôn hướng đến điều tốt đẹp.
Các chàng trai dân tộc Mông nghe tiếng sáo khi còn trong bụng mẹ, sinh ra, lớn lên cùng tiếng sáo, học thổi sáo từ khi còn nhỏ. Seo Sử là “cây văn nghệ” của bản. Tiếng sáo của Sử như biết nói, biết kể chuyện khiến người nghe mê hoặc.
Sử được giao lưu, biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc tại xã, huyện. Hằng năm, trong đợt Liên hoan văn nghệ quần chúng cấp xã, Sử đều thổi sáo nhiều bài hay như: “Xuân về trên bản Mông”, “Tình ca người Mông”… Từng giai điệu, từng tiết tấu như vẽ ra trước mắt người nghe khung cảnh tươi thắm của bản làng trên đỉnh núi, người nghe như mường tượng ra những chiếc váy áo sặc sỡ của các thiếu nữ bên các chàng trai. Mới đây nhất, Sử đoạt Giải A tại Liên hoan văn nghệ quần chúng cụm ATK được tổ chức tại xã Kim Quan với tiết mục sáo Mông: “Người Mèo ơn Đảng”.
Tiếng sáo là âm thanh quyến rũ nhất của núi rừng, lúc lảnh lót, trong trẻo, lúc trầm ấm nhẹ nhàng. Mỗi giai điệu tựa như lời tâm tình thủ thỉ, giãi bày tâm trạng buồn, vui, yêu thương… Sử bày tỏ, người Mông rất ngại nói thẳng ra miệng chuyện yêu đương, người ta chỉ giao tiếp âm thanh qua sáo: “Yêu nàng anh yêu lắm/Lòng anh yêu nàng, say đắm lắm cô nàng ơi/Ra về thương nhớ vô cùng, nhớ mãi”. Chính tiếng sáo dặt dìu ấy mà Seo Sử sớm lấy được cô nàng 18 tuổi Lầu Thị Ca-người cùng bản về làm vợ. Để rồi những tháng năm Sử nhập ngũ, học tập rèn luyện, tiếng sáo như lời nhắn nhủ thủy chung giữ gìn hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ.
Cuối năm 2013, Ly Seo Sử được bổ nhiệm làm Phó Công an xã Đạo Viện. Anh trở thành chàng trai Mông đầu tiên của bản Ngòi Rịa được làm cán bộ xã. Niềm vinh dự gắn liền với trách nhiệm, Sử tâm sự, lớn lên bên triền núi, nương ngô, anh càng hiểu, vì đói nghèo và thiếu hiểu biết mà không ít người Mông bị lợi dụng, nghe theo kẻ xấu. Bởi vậy, anh luôn tìm nhiều cách nói, cách làm hay vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, một lòng tin vào Đảng, vào Bác Hồ; ổn định an ninh trật tự, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
“Biết gieo không tốn giống…”
Xã Đạo Viện có 689 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày. Những năm trước đây, câu chuyện về di cư tự phát, đào vàng trái phép trở nên khá phổ biến tại các bản làng. Thời gian trước, vì nghe và tin theo những viễn cảnh tốt đẹp của tương lai, một số người Mông đã mù quáng bán nhà, bán ruộng nương đưa cả vợ con vào Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông… sinh sống. Biết bao hệ lụy kéo theo nơi xứ người khi không nhà, không của cải, không người thân thích, không hộ khẩu…
Nắm bắt được tình hình cùng sự chỉ đạo từ cấp trên, Seo Sử khéo léo tìm cách vận động người dân. Ngoài các buổi họp thôn, bản, qua câu chuyện anh đã gặp gỡ tuyên truyền thêm để bà con hiểu sâu, hiểu cặn kẽ. Vừa giải thích vừa thăm dò, Sử tìm cách tiếp cận trường hợp có ý định di cư để nhanh chóng tìm cách thuyết phục.
Có lần phát hiện anh Lý Văn Din, thôn Ngòi Rịa chuẩn bị liên hệ để vào tận Đăk Lăk sinh sống. Seo Sử đến tận nhà, thức cả đêm cùng uống rượu tâm sự. Vừa nhỏ to chuyện trò, anh tranh thủ nhờ các nhân chứng đến để kể lại những khó khăn của cuộc sống xa xứ. Vậy là, bằng lý lẽ và bằng chứng thuyết phục, anh Din đã quyết định ở lại quê nhà sinh sống.
Bên cạnh đó, Seo Sử cũng nhiệt tình giúp đỡ những trường hợp trở về quê hương. Sau những tháng ngày bôn ba ở Lâm Đồng, ông Giàng Seo Phình trở lại Đạo Viện. Ông Phình chia sẻ, ngày đó nghe nói ở Lâm Đồng đất đai rộng lớn, dễ làm giàu nên ông bán nhà cửa ruộng vườn. Vào trong đó khí hậu không phù hợp, vườn rừng ít, cuộc sống nghèo túng nên gia đình ông đã quay lại quê hương. Nhờ được sự giúp đỡ, động viên của bà con, cán bộ, đặc biệt là Phó Công an xã Ly Seo Sử, gia đình ông đã ổn định cuộc sống.
Là người con của bản, Seo Sử luôn coi bà con như ruột thịt, thông cảm, chia sẻ và tận tình giúp đỡ. Sử dành một phần tiền lương của mình mua kẹo cho trẻ, hay gói thuốc lào, gói mỳ chính, cân đường, hộp sữa cho người già. Mùa thu hoạch, Seo Sử cùng bà con xuống ruộng gặt lúa, lên nương bẻ ngô. Đi đến đâu anh cũng được bà con quý mến, tin tưởng.
Tục ngữ người Mông có câu: “Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, chính vì thế những lời nói của Seo Sử có “sức nặng như đá”, bà con một lòng tin và làm theo. Những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn, người dân đều phát hiện và tố giác nhanh chóng. Ly Seo Sử cho biết, vấn đề đào vàng trái phép thường xuyên diễn ra tại các thôn Làng Phào, Làng Đầu… Các đối tượng chủ yếu là người ở địa bàn khác sang khai thác trộm. Ngay khi các đối tượng thực hiện, người dân phát hiện đều nhanh chóng tố giác. Tính từ đầu năm đến nay, nhờ nguồn thông tin quần chúng, Công an xã đã 4 lần ngăn chặn và tịch thu tang vật khi đối tượng chuẩn bị khai thác. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự dần ổn định trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Văn Tình, Trưởng Công an xã Đạo Viện, Ly Seo Sử là cán bộ tận tụy, trách nhiệm. Nhiều năm qua, anh đã cùng lực lượng công an xã tích cực giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Anh luôn được bà con dân bản tin yêu, quý mến.
Sau một ngày làm việc, Seo Sử trở về với bản làng và tiếng sáo quen thuộc lại vang lên. Tiếng sáo hôm nay dường như rộn ràng, vui tươi hơn, bởi đời sống của bà con đang ngày càng ổn định, phát triển: “Nhớ ơn Đảng đưa tới/ Ta từ nay ấm no/… Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời”… Đó là lời ca, là tiếng lòng của Ly Seo Sử và người Mông nơi đây gửi gắm trọn lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu.