Thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei có hơn 100 hộ, gần 100% là đồng bào Gié Triêng sinh sống, người dân trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, xã đề ra, năm 2012, già làng A Thưk đã tiên phong chuyển đổi toàn bộ 3 ha đất trồng mì sang trồng cây cao su và đầu tư phát triển thêm chăn nuôi để làm gương cho bà con Gié Triêng trong thôn thực hiện theo.
Già làng A Thưk cho biết, đầu tiên, ông và thôn trưởng, các đoàn thể thôn tuyên truyền trồng cây cao su để xóa đói, giảm nghèo thì bà con Giẻ Triêng không tin. Bà con cho rằng, đất ở đây không trồng được cây cao su. Sau khi thấy già làng trồng cây cao su phát triển tốt và cho thu hoạch mủ thì lúc đó bà con mới bắt đầu làm theo.
Từ chỗ tiên phong của già làng A Thứk, người dân trong thôn Đăk Sút đã bắt đầu triển khai trồng cây cao su và các loại cây công nghiệp khác. Đến nay, toàn thôn Đăk Sút có hơn 80 ha cao su, 5 ha cà phê, hơn 100 ha mì. Theo đó, người dân trong thôn đã có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Đến hết năm 2020, trong thôn Đăk Sút giảm còn 14 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo.
“Trước kia, bà con Gié Triêng phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa rẫy, nên đời sống rất bấp bênh. Từ khi được già làng A Thứk tuyên truyền, bà con đã chuyển đổi từ trồng cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm như cao su, cà phê, theo đó đời sống người dân đã chuyển biến rõ nét. Bình quân mỗi tháng, các hộ có diện tích cao su có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/hộ”, ông A Pho, Trưởng thôn Đăk Sút cho hay.
Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân trong thôn phát triển kinh tế, già làng A Thứk còn vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Gié Triêng, loại bỏ những hủ tục. Chẳng hạn như phong tục củi hứa hôn của người Gié Triêng. Trước kia, khi lấy chồng, các cô gái Gié Triêng thường phải chuẩn bị hàng trăm bó củi rừng cõng theo. Duy trì phong tục này dẫn đến tình trạng bà con phải phá rừng lấy củi.
Già làng A Thứk chia sẻ: “Đối với gia đình tôi, khi các con lập gia đình là không phải cõng củi nữa. Vì làm như vậy, hai bên thông gia không có lợi gì, mà mình lại phải phá rừng lấy củi, vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đảng, Nhà nước tuyên truyền người dân phải quản lý bảo vệ rừng, nếu mình không chặt củi rừng nữa, thì cũng đóng góp một phần nhỏ vào công tác bảo vệ rừng”.
Ở thôn Đăk Sút, gần 100% người dân trong thôn theo đạo Tin Lành. Già làng A Thứk luôn tuyên truyền, vận động người dân sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, ngành và chính quyền địa phương phát động. Nhất là tham gia hiến đất, hoa màu, vật liệu kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn, giữ gìn vệ sinh trong thôn để cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông A Đi, người dân thôn Đăk Sút chia sẻ: “Già làng A Thứk là người rất có uy tín. Già làng thường xuyên đến từng nhà nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh trong nhà và thôn; tích cực tham gia đóng góp đất, ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Già làng tuyên truyền bà con ai cũng làm theo và đoàn kết cùng giúp nhau trong cuộc sống”.
Trong thời gian xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, già làng A Thứk là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, hiến cây cối hoa màu để phục vụ cho mở rộng đường nông thôn mới. Đặc biệt, nhờ công lao vận động, tuyên truyền của già làng A Thứk mà đến nay, các đường đi vào khu sản xuất đều được mở rộng, nâng cấp, đi lại thuận tiện hơn.
Gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào, già làng A Thứk luôn được người dân trong thôn Đăk Sút tin yêu, quý mến. Ghi nhận công lao đóng góp của già A Thứk, chính quyền các cấp đã tặng cho ông nhiều bằng khen, giấy khen. Đó chính là động lực để già làng A Thứk tiếp tục phát huy tốt vai trò của vị già làng uy tín.