Nặng duyên với những người Lào
Trước khi trò chuyện với chúng tôi, già làng Hồ Thanh Bình (sinh năm 1936, người Pa Cô, ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) dẫn chúng tôi vào nhà. Chỉ lên những tấm huân, huy chương, bằng khen được ông treo ngay ngắn, cẩn thận giữa nhà, nay đã ngả màu, ông bảo, đó là những gì ông có được ở tuổi thanh xuân, với một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Ông kể, hồi trước từng là lính giao liên, đi hết các cánh rừng từ Thừa Thiên - Huế tới Quảng Trị, rồi sang Lào. Mỗi khi gặp đồng bào và người dân Lào, ông đều vận động: “Bà con theo cách mạng để đánh giặc”. Còn từ sau ngày giải phóng, câu nói cửa miệng là: “Bà con cố gắng lao động sản xuất, trồng chuối, trồng sắn để nhanh xóa đói giảm nghèo”.
Sau ngày đất nước giải phóng, ông tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1990. Năm 1994, ông đưa gia đình rời thị trấn Khe Sanh lên khu vực sát biên giới, nơi dân cư còn rất thưa thớt. Đấy là thời điểm Đại tá Trần Đình Dũng, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP) bắt đầu triển khai chương trình kết nghĩa bản - bản.
Tại vùng đất mới, ông sát cánh cùng những người lính Biên phòng để hỗ trợ bà con Nhân dân tại địa phương và bà con bên nước bạn Lào. Người dân nước bạn Lào thời đó còn quá nghèo, người dân sống sát biên giới cũng có cuộc sống bấp bênh. Vậy là ông bắt đầu khai phá đất trồng chuối, trồng sắn. Thỉnh thoảng, ông lại hỗ trợ 1 xe chở chuối giống sang giúp bà con các làng bản ở bên đất Lào, gặp lại những người quen bao năm qua đã cưu mang khi ông còn trong quân ngũ.
18 năm trôi qua, những người đầu tiên được ông tuyên truyền, hỗ trợ con giống đều đã có cuộc sống sung túc. Thỉnh thoảng có người lại mang chai rượu trắng sang thăm, ông đáp lễ và bắt gà làm thịt, vậy là ngồi ôn lại chuyện cũ, từ thời không có gì ăn, bây giờ đã có nhà, có xe, con cháu được học hành đầy đủ.
Kể về việc đi vận động bà con nước Lào xóa đói giảm nghèo, thực hiện chương trình kết nghĩa bản - bản, ông hồ hởi: mình làm nhiệt tình như thời còn bộ đội, nhưng bây giờ là mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cần nhanh nhạy hơn. Khi gặp người dân, cách vận động của ông cũng mộc mạc khiến nhiều người mau chóng hiểu ra vấn đề. “Tuyên truyền cho từng người, không cần họp tập trung dân. Tôi đi từng nhà và khi bắt đầu có chủ trương kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là tôi thực hiện ngay”, ông nói.
Xung kích trên mặt trận đuổi nghèo
Già làng, cựu chiến binh Hồ Thanh Bình có một khu trang trại. Mọi người chỉ cần bước vào khu vườn của ông, không thể không thán phục trước tinh thần lao động hết mình của già làng, cựu chiến binh người Pa Cô này. Ngay phía sau nhà ông là khu chăn nuôi lợn với 2 con lợn nái lai heo rừng, một đàn dê hàng chục con, bên cạnh đó là 11 hồ cá rộng hút tầm mắt. Các hồ cá được ông đào đắp vuông vắn, dọc đường bao quanh bờ hồ là những hàng cây chuối trĩu nặng quả.
Chỉ nhẩm tính sơ qua vườn chuối vài ngàn cây, khu chăn nuôi, vườn sắn… lớp thanh niên chúng tôi đã thấy mình còn “chạy mỏi” cũng không thể theo kịp ông già người Pa Cô năm nay đã 86 tuổi. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi mới hiểu, ông phấn đấu làm những việc như vậy để làm gương cho cộng đồng, bà con ở Việt Nam, cũng như ở nước bạn Lào sẽ tin khi ông đi tuyên truyền, vận động mỗi khi có chủ trương, hay phong trào được chính quyền địa phương phát động.
Sau này, khi tham gia công tác xã hội, hoặc làm kinh tế gia đình, ông vẫn giữ nguyên phong cách “rút ngắn thời gian”. Ông đã xắn tay áo vào làm thì quên ngày quên đêm, làm cho bằng được. Những hồ cá được ông đào đắp xong, ông còn gia cố bờ bao bằng bê tông, đường đi rất đẹp mắt; những rẫy chuối hàng ngàn cây, ông trồng xong thì tỉa ngay hàng, thẳng lối…
Vì nhìn thấy những thành quả của ông, mà người dân bên Lào ở giáp biên giới rất mong có dịp được đến thăm, học tập từ ông mô hình làm kinh tế. Ai cũng muốn nghe ông kể chuyện đào hồ nuôi cá, trồng chuối, trồng sắn và cuối cùng là ôn lại kỷ niệm thời dọc ngang trên sông Sê Pôn, người dân hai nước cùng chung chiến tuyến để đánh giặc.
Gặp và trò chuyện cùng già làng Hồ Thanh Bình, chúng tôi chợt nghĩ, ông cũng được xem là người xe duyên trên miền biên giới để Nhân dân hai đất nước, người dân hai dân tộc Việt - Lào trở nên gắn bó, càng thêm đoàn kết. Quan trọng hơn, từ những việc đã làm, nhất là xung kích trong phát triển kinh tế, già Bình như một tấm gương sáng miền biên viễn để đồng bào Pa Cô nơi huyện biên giới Hướng Hóa, để người dân Lào phía bên kia học tập, nói theo.
Đúng như nhận xét của Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Bá Hùng, ông Bình là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác. Dấu ấn của ông trong việc vận động Nhân dân hai bản Ka Tăng thuộc thị trấn Lao Bảo kết nghĩa với bản Densavan, huyện Sê Pôn tỉnh Savannakhet (Lào) là rất lớn. Và ông chính là sợi dây kết nối để tình người nơi biên cương được nối dài mãi mãi.