Ở huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) già A Im, Người có uy tín, Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi được xem là bóng cây Kơ Nia của làng. Ông là người có rất nhiều đóng góp cho dân làng trong mọi lĩnh vực như bài trừ các hủ tục lạc hậu, vận động người dân làm ăn phát triển kinh tế. Già A Im kể: Phong tục tập quán đã được hình thành từ bao đời nay, trong đó có cả cái tốt và cái xấu. Vì ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít tiếp cận với bên ngoài nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Cũng như mọi người, trước đây tôi từng tin thầy cúng hơn thầy thuốc. Trong gia đình nếu có người đau bệnh thì tìm đến thầy cúng. Mỗi lần cúng rất tốn kém, phải đập trâu, đập bò… nhà ai không có thì phải tìm cách vay tiền để cúng.
“Tuy nhiên, tôi nhận thấy sau mỗi lần cúng bái bệnh tình vẫn không thuyên giảm nhưng của cải trong nhà cứ vơi dần. Đồng thời, được sự giải thích của các cán bộ, tôi đã hiểu được lợi ích của việc ốm đau phải đến trạm y tế khám, chữa bệnh. Từ đó, gia đình tôi cứ có bệnh là đi đến cơ sở y tế. Đồng thời tôi cũng vận động người dân bài trừ việc cúng bái để tiết kiệm tiền bạc và đảm bảo được sức khỏe”, già A Im bộc bạch.
Với đặc thù thôn Rờ Kơi nằm ở khu vực biên giới nên việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, UBND xã Rờ Kơi đã thành lập Tổ bảo vệ rừng và Tổ tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn. Thời gian qua, mình thường xuyên vận động các thành viên trong Tổ phát quang đường biên, cột mốc, giữ gìn hệ thống dấu hiệu đường biên giới và tham gia tuần tra kiểm soát bảo vệ đường biên giới. Cùng Bộ đội Biên phòng góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Cam Pu Chia - già A Im bộc bạch.
Còn ở xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bok Đăm ở làng Kon Sơ Nglok cũng là một người như thế. Bok Đăm là tên gọi thân quen của các cán bộ và Nhân dân xã Hà Đông dành cho già làng Đinh Đăm. Ông Đinh Cam, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông giới thiệu với chúng tôi, Bok Đăm đã đi qua hơn 80 mùa rẫy nhưng ông vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Không riêng gì làng Kon Sơ Nglok, cả xã Hà Đông đều dành cho Bok một sự kính trọng.
Đứng lên sau chiến tranh, xã Hà Đông gặp muôn vàn khó khăn. Cấp thiết nhất là phải đẩy lùi được cái đói, cái nghèo, giải quyết vấn nạn mù chữ của cả làng. Đôi mắt Bok Đăm bỗng trở nên đăm chiêu, ông nói: “Lúc bấy giờ, với vai trò Bí thư Đảng ủy xã mình đã cùng với chính quyền đứng lên kêu gọi Nhân dân đồng lòng, đồng sức xây dựng kinh tế”.
Năm 2000, Bok Đăm về hưu. Hưởng ứng sự kêu gọi của các cấp chính quyền trong việc thay đổi tư duy sản xuất, Bok Đăm đã tiên phong đi đầu trong việc trồng cây lúa Đông - Xuân và trồng cây công nghiệp mang giá trị cao như bời lời. “Dân làng mình chỉ quen canh tác lúa trọc trỉa, kém năng suất. Để thay đổi tư duy của bà con là một cuộc cách mạng. Người dân phải thấy được cái lợi ích thực tế mới tin và nghe theo. Không còn cách nào khác ngoài cách già làng làm trước, dân làng theo sau. Thấy mình trồng lúa, bời lời mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân bắt đầu thay đổi suy nghĩ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cũng từ khi đó, đời sống của người dân mới có chuyển biến tích cực”, Bok Đăm chia sẻ.
Giọng Bok Đăm bỗng trầm buồn, ông kể: “Trên hành trình vươn mình đứng dậy, Hà Đông đối mặt với không ít những khó khăn. Năm 2009, lợi dụng điểm yếu của dân làng là thiếu hiểu biết, kẻ xấu đã trà trộn vào để lôi kéo người dân theo tà đạo Hà Mòn. Nghe lời người lạ, hơn 40 hộ dân ở địa bàn xã đã bỏ làng để đi “tu luyện”. Thời điểm này mình và các cán bộ, các chức sắc, chức việc,… đã kết hợp cùng nhau vận động những người nghe theo tà đạo quay trở về để sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Tuyên truyền để người dân nghe theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để quay về làng sinh sống, tập trung làm ăn sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Nói về Bok Đăm, ông Đinh Cam, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông chia sẻ: “Gương mẫu, uy tín, nói được làm được và tiên phong đi đầu trong mọi công tác tại thôn, làng nên Bok Đăm được rất nhiều người dân kính trọng. Bok là một trong những già làng tiêu biểu đã có rất nhiều đóng góp cho sự thay đổi của xã Hà Đông”.
Đi dọc Tây Nguyên, những vị già làng, Người có uy tín là những điểm tựa vững chắc của Nhân dân các thôn làng. Trong kháng chiến họ khoác lên mình tấm áo lính, góp sức giành độc lập cho quê hương. Sau chiến tranh họ lại là những người giữ nếp làng, giữ gìn văn hóa dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự… Ngoài già A Im, Bok Đăm, ở các buôn làng Tây Nguyên còn có rất nhiều già làng, Người có uy tín được ví như cây Kơ Nia của làng, như: Già làng, Nghệ nhân Ưu tú A Thui (huyện Đắk Hà, Kon Tum), già làng Siu Deo (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai), già Y Yơh Kbuôr (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk),…
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đánh giá: “Người có uy tín đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đặc biệt là trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở”.
Còn theo ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người có tiếng nói cực kỳ quan trọng trong cộng đồng. Họ đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS. Góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.