Điểm tựa của làng Dăng
Làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) giáp với nước bạn Campuchia, với 473 hộ, trên 1.800 khẩu, trong đó người Gia Rai chiếm 57%. Bà con trong làng vẫn còn hạn chế về trình độ nhận thức nên việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, với vai trò là già làng, Người có uy tín, già Ksor Cân luôn tận tụy, hết lòng với dân làng.
Đã hơn 70 tuổi, nhưng già làng Ksor Cân vẫn tiếp tục được Nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Gia Rai. Bằng uy tín, sự hiểu biết, nhiệt huyết của mình, già Ksor Cân đã vận động dân làng vượt qua các hủ tục; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biên giới quốc gia.
Năm 2021, làng Dăng được xã Ia O chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, già Ksor Cân đã cùng với cán bộ các tổ chức đoàn thể, hệ thống chính trị, bắt tay vào việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Già vận động bà con thực hiện những việc làm cụ thể như, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, làm hàng rào, sửa chữa mương thoát nước các tuyến đường trong làng, đóng góp kinh phí để mua sắm thiết bị trong nhà văn hóa, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm… già Ksor Cân còn động viên dân làng chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, già Ksor Cân đã vận động người dân làng Dăng chung sức, đồng lòng, thực hiện xây dựng làng NTM bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn dài gần 1 km, già Ksor Cân cùng Ban Nhân dân và các đoàn thể đã vận động nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến hàng trăm mét vuông đất. Nghe theo già Ksor Cân nhiều hộ dân đã đóng góp công, góp của để chung sức xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đi lại thuận tiện.
Ông Ksor Thuônh, làng Dăng cho biết: “Nghe theo lời già Ksor Cân, mình cùng nhiều gia đình khác trong làng đã tự nguyện hiến đất làm đường. Gia đình mình đã hiến hơn 100 m2 đất và tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông. Đây là việc làm thiết thực và rất ý nghĩa, xây dựng thôn làng sạch đẹp, con cháu sau này cũng được hưởng lợi. Vì thế, dân làng mình rất vui khi được góp công sức xây dựng làng Dăng ngày càng đẹp hơn”.
Bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống dân tộc
Không chỉ là già làng, Người có uy tín tiêu biểu, già Ksor Cân còn là nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian truyền thống nổi tiếng của địa phương. Với sự am hiểu truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, già Ksor Cân đã truyền dạy tạc tượng cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, trong các lễ hội, dân làng đều hăng hái tham gia, trổ tài như thi tạc tượng, đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô… Không chỉ giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà già Ksor Cân còn giáo dục lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc.
Già làng Ksor Cân là Người có uy tín tiêu biểu, là tấm gương sáng, điểm tựa vững chắc của dân làng Dăng. Già Ksor Cân có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương".
Ông Rơ Lan Trương Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai
Anh Rơ Lan Biếu cho hay: “Mình theo già Ksor Cân tạc tượng từ lúc 20 tuổi. Được già chỉ bảo và đưa đi tham gia các cuộc thi, lễ hội nên mình rất tự tin quảng bá văn hóa dân tộc. Ngoài ra, mình cũng tham gia vào đội cồng chiêng của làng. Là lớp trẻ của làng Dăng, mình rất tự hào về văn hoá dân tộc Gia Rai và quyết tâm gìn giữ, bảo tồn văn hóa của người Gia Rai”.
Nói về công tác tuyên truyền, vận động dân làng, già Ksor Cân chia sẻ: “Cuộc sống của bà con Gia Rai nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Muốn dân làm theo thì mình phải nói sao cho họ ưng cái bụng. Điều này không dễ, không phải trong ngày một ngày hai mà cần phải có sự kiên trì dài lâu. Vậy nên, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con như tranh thủ buổi tối, khi bà con đi làm về, chúng tôi đến từng nhà nói chuyện, phân tích để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nâng cao cảnh giác trước âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Từ đó, bà con mới tin tưởng, nghe và làm theo mình được”.
Tháng 4/2022, làng Dăng được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM trong sự vui mừng của dân làng, chính quyền địa phương. Từ đây, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển, diện mạo làng Dăng ngày càng khởi sắc.