Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Sỹ Hào - 2 giờ trước

Từ ngày 05/9 - 17/9/2024, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, được tổ chức tại Cao Bằng. Ngoài lễ khai mạc chính thức tổ chức ngày 12/9; trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra nhiều hoạt động, đưa Cao Bằng thành điểm hội tụ và lan tỏa giá trị di sản công viên địa chất toàn cầu.

Hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng
CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng bao gồm toàn bộ diện tích của TP. Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683 km2. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nơi hội tụ di sản đa dạng

Theo tài liệu của Tiểu ban Truyền thông Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của Trái đất; bao gồm toàn bộ diện tích của TP. Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683 km2.

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị về địa chất. Theo đánh giá các nhà khoa học, hiện đã phát hiện trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng như các tháp đá, nón, hang động, thung lũng, các sông hồ, hang ngầm…

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, trong phạm vi CVĐC Non nước Cao Bằng có 67 di tích; trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Các di tích liên quan đến địa chất có cả 3 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh.

Cùng đó là những giá trị đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu, nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam như: nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ…

Đặc biệt, giá trị tài nguyên văn hóa trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng rất đa dạng và phong phú, tạo nên nét đặc trưng riêng. 

Cao Bằng là địa phương có trên 95,53% dân số là đồng bào DTTS, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đã tạo cho vùng CVĐC Non nước Cao Bằng một bản sắc văn hóa sinh động.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang có hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó: loại hình tiếng nói, chữ viết có 06 di sản; loại hình ngữ văn dân gian có 150 di sản; tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản; lễ hội truyền thống có 200 di sản; nghề thủ công truyền thống có 112 di sản; tri thức dân gian có 487 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 300 di sản.

Tỉnh hiện có 07 di sản được đưa vào vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó, các lễ hội tại Cao Bằng rất phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài lễ hội đền, chùa mỗi dịp đầu xuân năm mới, có các lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa) và thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An); Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An); Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa)…

Hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng 1
Cùng với hương thơm thì giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen của đồng bào dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa) được chọn làm quà tặng cho đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Với những nỗ lực đó, ngày 12/4/2018, UNESCO đã chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu.

“Danh hiệu CVĐC toàn cầu là một danh hiệu rất cao quý, đó cũng là mô hình và định hướng cho chúng ta xây dựng, phát triển du lịch của địa phương”, ông Ánh khẳng định.

Lan tỏa giá trị văn hóa

Sau khi CVĐC Non nước Cao Bằng được công nhận là CVDC toàn cầu, tỉnh Cao Bằng đã triển khai các giải pháp để thực hiện tốt 06 khuyến nghị của UNESCO. Trong đó, các Sở, ngành, địa phương liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, từ đó thay đổi hành vi tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC.

Đặc biệt, Chương trình giáo dục về CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc xây dựng, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản vùng CVĐC.

Hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng 2
Hương thơm của đồng bào dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được lựa chọn là một trong hai sản phẩm làm quà tặng cho đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế tại APGN-8

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhận thức, trách nhiệm của người dân phát huy các giá trị di sản CVĐC đã được nâng lên. Người dân tích cực bảo vệ rừng, gìn giữ vệ sinh môi trường, phát huy các nghề thủ công truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Sau 4 năm triển khai thực hiện các khuyến nghị của UNESCO, đến năm 2022, Cao Bằng chính thức được UNESCO tái thẩm định và công nhận CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. Cùng thời điểm, với sự hỗ trợ của các chuyên gia và sự nỗ lực của tỉnh, Cao Bằng đã bảo vệ thành công quyền đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) trong tháng 9/2024.

Theo ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Trưởng Tiểu ban Truyền thông APGN-8 năm 2024 tại Cao Bằng, hội nghị được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – TBD.

Trong sự kiện APGN-8 tại Cao Bằng, có 2 sản phẩm làng nghề truyền thống làm giấy bản và hương thơm của dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được lựa chọn làm quà tặng cho đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế.

“Qua sự kiện này cũng là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững”, ông Tịnh cho biết.

APGN-8 được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng diễn ra từ ngày 05 - 17/9/2024. Ngoài lễ khai mạc chính được tổ chức ngày 12/9 thì trong khuôn khổ hội nghị diễn ra rất nhiều hoạt động của Hội đồng và Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các hoạt đọng của tỉnh Cao Bằng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh, việc được chọn đăng cai tổ chức APGN-8 là một vinh dự lớn, không phải chỉ riêng của Cao Bằng mà của mạng lưới CVĐC Việt Nam.

Hội tụ và lan tỏa giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng 3
CVĐC Lạng Sơn được thành viên Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO bỏ phiếu nhất trí thông qua hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO vào thời gian tới. (trong ảnh: Thung lũng Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn)

Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng.

“Cao Bằng kỳ vọng rằng, qua hội nghị lần này sẽ giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về một thương hiệu du lịch mới - thương hiệu du lịch của Cao Bằng mang tầm cỡ quốc tế, với một mong muốn Cao Bằng luôn luôn, sẵn sàng hội nhập và phát triển mạng lưới CVĐC theo mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO. Đồng thời, giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Cao Bằng tươi đẹp, thân thiện, mến khách và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón bạn bè quốc tế đến với tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới”, ông Ánh chia sẻ.

Trong phiên họp cuối diễn ra chiều ngày 09/9, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã tái thẩm định 228 CVĐC của 49 quốc gia, trong đó tái thẩm định 213 CVĐC toàn cầu UNESCO, thẩm định thêm 15 CVĐC. Việt Nam có CVĐC Lạng Sơn được thành viên Hội đồng bỏ phiếu nhất trí thông qua hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO vào thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh vẽ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi đến Hoàng Su Phì (Hà Giang) du khách dễ dàng bắt gặp những khoảnh khắc đẹp huyền ảo đến ngây ngất lòng người, từ cảnh mây trời, núi non và những thửa ruộng bậc thang nối dài tít tắp, lúa đang bắt đầu dần chuyển sang màu vàng óng... Bức tranh về thiên nhiên, cuộc sống hòa quyện níu giữ bước chân của du khách.