Đến với vùng đất Nà Bủng, có thể bắt gặp ngay hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông đang thêu thùa, may dệt các trang phục để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tại đây, còn có các mô hình thêu may trang phục để xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Thái Lan... nhờ đó đã mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình vùng biên giới thoát nghèo.
Nghề thêu may trang phục dân tộc được phụ nữ Mông lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chị Thào Thị Tài, Bản Pá Kha, xã Nà Bủng chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi thêu thùa được học từ các bà, các mẹ ngày xưa. Chúng tôi muốn giữ được bản sắc dân tộc của mình để không bị mất đi truyền thống của dân tộc”.
Thông thường, một bộ trang phục áo váy dài, phải thêu, may cầu kỳ nhiều họa tiết, phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện, bao gồm cả khâu hạt cườm, đính hạt vòng trang trí vào áo váy. Những chiếc áo, váy ngắn đơn giản hơn, thì mất ít thời gian hoàn thiện. Từ bộ trang phục truyền thống của mình, chị em phụ nữ ở đây còn cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã để phù hợp với mọi lứa tuổi, từng vóc dáng và mục đích sử dụng, nhưng vẫn giữ được truyền thống độc đáo của bộ áo, váy Mông.
Việc thêu may trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình, mà đến nay đã có 2 mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông bản Nà Bủng 1 và mô hình nghề thêu chân váy bản Pá Kha, với 70 hội viên tham gia. Mô hình hoạt động trên nguyên tắc tập hợp các chị em phụ nữ biết thêu thùa, may vá trên địa bàn xã để vừa tạo ra sản phẩm, giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa duy trì, bảo tồn nghề truyền thống và những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình.
Chị Mùa Thị Mỷ, bản Pá Kha, xã Nà Bủng, chủ mô hình thêu chân váy cho biết: “Chúng tôi thành lập mô hình này mục đích là để chị em phụ nữ biết thêu thùa, giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời, mong muốn chị em có thêm thu nhập để giảm nghèo".
Để làm một bộ trang phục dân tộc Mông phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn như: Vẽ sáp ong sau đó mới mang đi nhuộm rồi thêu thùa… Các công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông. Ngoài việc sản xuất trang phục dân tộc, các mô hình còn đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh bán hàng.
Chị Tráng Thị Cầu, bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng chia sẻ: “Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng. Trung bình mỗi năm nghề may trang phục truyền thống ở xã biên giới Nà Bủng này đã đem lại thu nhập cho các hội viên trong mô hình 30 - 50 triệu đồng, nên chị em rất ham làm".
Để hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục truyền thống dân tộc Mông, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển các mô hình gắn với việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc.
Theo ông Phan Ngọc Linh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Pồ: Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin rất tích cực tham mưu cho UBND huyện thực hiện việc bảo tồn nghề trang phục dân tộc Mông. Dự kiến năm nay, sẽ hỗ trợ máy khâu để phát triển rộng mô hình, giúp cho các thành viên các hộ gia đình phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Phát triển nghề thêu may các trang phục truyền thống dân tộc Mông ở Nà Bủng, không chỉ góp phần quan trọng quảng bá, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, trong tiến trình hội nhập quốc tế, từ việc nhiều mặt hàng, sản phẩm đang được xuất khẩu ổn định cho một số thị trường trong và ngoài nước. Có được kết quả này, là nhờ vào sự quan tâm hỗ trợ không nhỏ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc đã và đang tiếp tục được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên ngành chú trọng, triển khai kịp thời.