Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phụ nữ Mông ở Nậm Pồ luôn tự hào với nét đẹp trang phục truyền thống

Đỗ Thành Trung - 01:02, 01/06/2023

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ (Điện Biên), dân tộc Mông chiếm gần 70%, có 5 nhóm (Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa), trong đó nhóm Mông Hoa (Mông Lềnh) sinh sống chủ yếu ở các xã Nậm Tin, Chà Cang, Nà Khoa... Người Mông Hoa hiện vẫn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống, trong đó có nghề thêu, may trang phục dân tộc.

Bà Vàng Thị Dính đang thêu trang phục dân tộc Mông (nhóm Mông Hoa)
Bà Vàng Thị Dính đang hoa văn trên trang phục

Hàng năm, khi thóc lúa đã chất đầy nhà, củi đã chất đầy sân, cánh đàn ông sửa soạn lại chiếc khèn, cây sáo, cũng là lúc chị em phụ nữ người Mông Hoa tranh thủ việc thêu thùa, may vá. 

Bà Vàng Thị Dính, bản Huổi Chá, xã Chà Cang chia sẻ: "Để có được những chiếc váy đẹp mất rất nhiều thời gian nên chúng tôi thường tranh thủ thời gian nông nhàn để thêu may trang phục”.

Trang phục của người phụ nữ Mông Hoa gồm: Khăn đội đầu, áo xẻ ngực, váy, xà cạp lưng, xà cạp chân... Khăn đội đầu thường dùng khăn hình chữ nhật quấn lại thành hình mỏ quạ. Áo phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Đây là một trong những phần khó nhất của bộ trang phục, chỉ có thợ may lành nghề mới có thể làm được.

Nguyên liệu để người Mông làm ra vải lanh (ảnh dưới) may trang phục chính là cây lanh (ảnh trên)
Nguyên liệu để người Mông làm ra vải lanh (ảnh dưới) may trang phục chính là cây lanh (ảnh trên)

Đối với áo đi hội thường được đính hạt cườm để tăng thêm vẻ đẹp. Váy của phụ nữ Mông Hoa thường có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe do kỹ thuật xếp nếp độc đáo. Phần hoa văn thêu tay, với màu sắc sặc sỡ sẽ được may giữa thân váy để làm điểm nhấn.

Xà cạp lưng thường được dùng để cố định váy khi mặc, ngoài ra người phụ nữ Mông Hoa còn sử dụng thêm 2 xà cạp ngang đùi có hình chữ nhật để đeo trước và sau váy. Còn xà cạp chân được dùng quấn quanh chân để tạo độ vững chắc và thon gọn cho đôi chân người phụ nữ.

Hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trên trang phục phụ nữ Mông Hoa. Phụ nữ Mông Nậm Pồ vẫn giữ được kỹ thuật thêu khá tinh tế bằng cách thêu hình chữ thập (+) và thêu chéo mũi (x) trên các nền vải đã định hình sẵn các bộ phận của váy, áo với các loại hình xoắn ốc, hình mâm xôi, hoa đào... 

Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông Hoa.
Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông Hoa

Các hoa văn, họa tiết được thêu, may bằng các loại chỉ màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu trắng là chủ yếu... Trong đó, màu đỏ giữ vai trò chủ đạo, vừa làm màu nền trung gian vừa tạo các họa tiết chính, phối với màu xanh, vàng hoặc trắng nhằm tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng cho bộ trang phục.

Trước kia, phụ nữ Mông Hoa dùng nguyên liệu tự nhiên là cây lanh để dệt vải. Nhưng nay, nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó những bộ trang phục ngày nay thường dùng vải công nghiệp để làm trang phục, nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

Thiếu nữ Mông Mông Hoa với bộ trang phục truyền thống trong ngày hội
Thiếu nữ Mông Hoa càng thêm xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống trong ngày hội

Là một trong những người may và thêu thùa giỏi có tiếng, chị Thào Thị Dùa, bản Huổi Chá, xã Chà Cang chia sẻ: “Tôi rất tự hào về bộ trang phục của phụ nữ Mông Hoa. Từ nhỏ, tôi đã được mẹ cầm tay chỉ dạy cách thêu, phối chỉ các hoa văn trên váy áo, rồi lớn dần mẹ cũng dạy cách may hoàn chỉnh một bộ trang phục. Đến khi đi lấy chồng, tôi cũng tự tay làm những bộ trang phục cho các con và chồng. Tôi cảm thấy rất vui khi thấy chồng và các con diện những bộ trang phục do chính bàn tay tôi làm ra”.

Ngày nay, xã hội hiện đại, ngành công nghiệp may mặc, in hoa văn phát triển, các bộ trang phục dân tộc cũng được in và sản xuất với nhiều mẫu mã cách tân đa dạng, đáp ứng nhu cầu mặc đẹp của các chị em phụ nữ Mông. Tuy nhiên, cùng việc tiếp nhận những cái mới, chị em phụ nữ Mông Hoa huyện Nậm Pồ vẫn giữ gìn việc may, thêu vá các bộ trang phục truyền thống để lưu giữ và truyền dạy lại cho con cháu.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.