Đưa trang phục dân tộc xuống phố
Sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vào năm 2016, Chấu Thị Nung vào TP. Hồ Chí Minh để bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật. Hiện, công việc chính của Nung là vẽ áo dài và bán những mặt hàng thổ cẩm qua mạng.
Vừa tỉ mỉ thiết kế những chiếc túi xách thổ cẩm của dân tộc Mông, Nung vừa kể, ý tưởng cho ra mắt bộ ảnh “Traditional costume of the Hmong people” (Tái hiện trang phục truyền thống người Mông) xuất phát từ chính công việc hằng ngày của Nung. Rất nhiều lần Nung đã tự đặt câu hỏi cho mình rằng, tại sao mình làm về trang phục truyền thống của Việt Nam mà không làm về trang phục của dân tộc mình, hay của các dân tộc anh em khác.
Từ suy nghĩ đó đã thôi thúc cô gái Mông Hoa phải làm điều gì đó để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Và Nung đã thể hiện ý tưởng đó bằng bộ sưu tập ảnh trang phục “Xưa và nay”, vừa mang tính tái hiện, vừa sáng tạo lại trang phục của người Mông từ khoảng những năm 1920 - 1990.
“Để dự án được hoàn chỉnh, tôi đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Từ tìm tư liệu, tìm hiểu kĩ và so sánh giữa trang phục xưa và nay đến dồn toàn bộ kinh phí để mua những bộ trang phục thổ cẩm”, Nung nói.
Trong hành trình 2 năm sưu tầm tư liệu, Nung đã dành thời gian sáng tạo bằng cách sử dụng các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Cô đã nghiên cứu các nguồn tư liệu về văn hóa Mông từ trong, ngoài nước và tiếp xúc với người dân địa phương để hiểu sâu hơn về các nhóm Mông khác nhau. Bộ sưu tập đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng mạng Việt Nam và nước ngoài, nhờ mang đến cái nhìn rõ nét về truyền thống Mông.
Quảng bá văn hóa Mông
Nung chia sẻ, cô đã cộng tác với các đội ngũ khác nhau để đưa trang phục dân tộc Mông vào các bộ hình thời trang cũng như ứng dụng sản phẩm dệt may truyền thống vào trang phục hàng ngày. Điều đó đã giúp Nung hiểu cặn kẽ hơn về sự giống và khác nhau trên cùng một bộ trang phục.
Trong ý tưởng này, ê-kíp thực hiện chụp hai bộ trang phục truyền thống của hai nhóm người Mông Hoa (Bắc Hà và Si Ma Cai - Lào Cai) và Mông Lềnh (Mù Cang Chải - Yên Bái). Bộ trang phục thứ ba kết hợp của nhiều yếu tố mang biểu tượng của đồng bào Mông.
Một trong những nét sáng tạo nổi bật - khi Nung sử dụng chiếc mũ với phong cách của một số đồng bào miền Bắc những năm 1920 (trong đó có người Mông) để phối hợp. Ở phần chân, thay vì dùng xà cạp đen hoặc trắng như hình tư liệu, chị sử dụng một chiếc xà cạp tím có kết cườm để đôi chân trông có điểm nhấn hơn.
Ở bộ trang phục Mông Hoa, sử dụng váy và áo có chi tiết hoa văn được làm thủ công trên chất vải xưa, có tuổi đời khoảng 35 năm. Điểm nhấn trên trang phục là phụ kiện kiềng và vòng tay của người Mông ở Sapa, phần tóc được bện từ tóc thật kết hợp với len của người Mông Hoa ở Lai Châu.
Còn với người Mông Lềnh (Yên Bái), phần trang phục được lấy hoàn toàn từ bản nguyên mẫu với chất liệu lanh thô dệt thủ công với các họa tiết hoa văn đều được làm bằng tay, đã tồn tại gần 100 năm.
Đặc biệt là bộ trang phục tổng hòa chất liệu của các nhóm người Mông. Trong đó, có thể kể đến áo khoác của người Mông ở Sapa, chân váy và phụ kiện bạc của người Miêu, yếm được lấy cảm hứng từ nhiều nhóm người Mông và bộ móng được lên ý tưởng từ một số hoa văn của người Mông Trắng, Mông Xanh ở Lào và Thái Lan.
“Mỗi bộ trang phục lại có những nét độc đáo riêng biệt. Thay vì chúng ta dùng trang phục vải công nghiệp quá nhiều, tại sao chúng ta lại không duy trì nghề truyền thống, hay vải truyền thống để áp dụng nó vào đời sống hàng ngày. Tôi hy vọng rằng mọi người có thể biết bộ trang phục của người Mông ngày xưa đẹp ra sao và ngày nay thay đổi như thế nào, để thêm yêu và trân trọng vẻ đẹp đó hơn. Thông qua đó để có thể “gieo” tình yêu văn hóa, yêu trang phục truyền thống đến đông đảo công chúng hơn”, Nung tâm sự.
Dự định trong thời gian tới, cô gái người Mông cho biết, sẽ kết hợp thời trang với nhạc cụ, trò chơi dân gian Mông trong các bộ sưu tập để tiếp tục quảng bá và tôn vinh văn hóa dân tộc mình.