Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn, phát huy nét độc đáo trang phục dân tộc Mông

Hồng Anh - 12:17, 08/12/2022

Dân tộc Mông của tỉnh Hòa Bình sinh sống chủ yếu ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu . Trang phục truyền thống của người Mông được sử dụng nhiều kỹ thuật thủ công và kỹ thuật tạo hình hoa văn độc đáo. Đó là kỹ thuật thêu, dệt, ghép vải, ghép kim loại, kỹ thuật in sáp ong. Sự phong phú về kỹ thuật không chỉ phản ánh giá trị của trang phục mà còn phản ánh trình độ sáng tạo, kỹ thuật thủ công và khả năng thẩm mỹ của đồng bào.

Gian hàng tấp nập người mua tại Chợ Pà Cò
Gian hàng tấp nập người mua tại Chợ Pà Cò

Có dịp đến phiên chợ vùng cao Pà Cò vào ngày Chủ nhật, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cả chợ phiên rực rỡ sắc màu trang phục của phụ nữ Mông. Bà con người Mông xuống chợ cũng giống như được đi chơi hội. Đây cũng là nơi các chàng trai, cô gái Mông phô diễn nét đẹp trang phục của dân tộc mình. Trong chợ phiên, phụ nữ Mông còn tranh thủ lúc bán hàng để se lanh, nối lanh, thêu họa tiết bằng tay, tạo nên những chiếc váy Mông tinh tế, sặc sỡ.

Trang phục của dân tộc Mông huyện Mai Châu tuy có những nét tương đồng về kỹ thuật may cắt, kiểu váy, kiểu áo với các ngành Mông khác, song vẫn có sự khác biệt, mang dấu ấn riêng. Trang phục cổ truyền của nam giới dân tộc Mông tương đối giống nhau, đều được làm từ vải lanh, có màu chàm hoặc màu đen. Một bộ trang phục chủ yếu gồm áo nam "tro dờ”, quần nam "tri” và dây buộc thắt lưng. Trang phục nữ cổ truyền gồm váy "ta”, áo xẻ ngực "tro pô”, yếm, xà cạp "chông”, trang sức chủ yếu bằng bạc, thắt lưng, khăn quấn đầu…

Cùng với sự đổi mới, phát triển chung, để tiện dụng, thay vì dùng vải lanh tự dệt, đồng bào Mông chọn mua vải về làm trang phục, hoa văn in, thêu sẵn, thay đổi so với truyền thống. Số lượng nghệ nhân, người lưu giữ các tri thức dân gian, kỹ thuật tạo ra bộ trang phục truyền thống ngày càng ít đi... Vì thế, trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, nội dung bảo tồn các giá trị văn hóa và định hướng phát triển du lịch luôn được quan tâm.

Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong những năm qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh dành sự quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị văn hóa các DTTS, trong đó có di sản văn hóa trang phục dân tộc Mông. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tại hai xã. Thông qua sự kiện đã quảng bá được tiềm năng, thế mạnh, truyền thống văn hóa. Sự phát triển du lịch của hai xã kéo theo sự phát triển của các mặt hàng thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Người dân đã vận dụng khéo léo các giá trị của di sản vào phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, như tạo ra các loại hình du lịch trải nghiệm: Vẽ sáp ong trên nền trang phục dân tộc, trải nghiệm cách dệt, thêu, nhuộm trang phục truyền thống... 

Sở cũng tổ chức kiểm kê trang phục dân tộc Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò, đánh giá được thực trạng, tổng hợp lập danh mục di sản văn hóa về trang phục dân tộc Mông. Từ đó tham mưu trình UBND tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về kỹ thuật vẽ sáp ong trên trang phục dân tộc Mông.

Chợ phiên Pà Cò Mai Châu Hòa Bình
Chợ phiên Pà Cò Mai Châu Hòa Bình

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa trang phục dân tộc Mông, trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, quan tâm bố trí nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, có chính sách ưu tiên con em dân tộc Mông, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân giỏi. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp Nhân dân. Có giải pháp quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu trồng cây lanh. Nghiên cứu, phục hồi hoa văn cổ và bảo tồn kỹ thuật tạo hoa văn. Đặc biệt, triển khai giải pháp đồng bộ các hoạt động bảo tồn gắn với phát triển du lịch, đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.