Sắc màu của sự may mắn, bình an
Trong dịp mùa Xuân, đến với những bản làng người Mông, ta bắt gặp hình ảnh những phụ nữ, những em bé Mông xuống chợ, đi lễ hội với quần áo sặc sỡ đung đưa theo mỗi bước chân uyển chuyển.
Giữa khung cảnh núi rừng mùa Xuân, những bộ váy áo sặc sỡ ấy lại càng được tôn thêm vẻ đẹp. Chị Vàng Thị Đưa, thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn) chia sẻ, theo quan niệm của nhiều người Mông, trong dịp lễ hội mà mặc đồ cũ sẽ xui xẻo, nên chị em đều cố gắng để có được những bộ quần áo mới.
Với gam màu ấm áp, sặc sỡ như xanh, đỏ, tím, vàng, những chiếc váy của đồng bào Mông được ví như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, được phối màu một cách hài hòa, họa tiết phong phú, ấn tượng, sắp xếp một cách khéo léo, duyên dáng.
Họa tiết trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như: Sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… Tất cả được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy, để gửi gắm nhiều ước vọng. Đó là khát vọng con người được sống hòa hợp với thiên nhiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm, an vui.
Đặc biệt, theo quan niệm người Mông, đầu năm mới được mặc những bộ váy mới với những họa tiết hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt sẽ giúp cho những mong muốn, nguyện cầu của gia đình được trọn vẹn hơn. Chính vì thế, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 Âm lịch là phụ nữ người Mông cặm cụi may vá, thêu thùa để gửi gắm những ước vọng của mình một cách thành tâm qua từng đường kim, mũi chỉ. Phụ nữ Mông nghĩ rằng, khi thêu thùa, trang trí càng thuần thục thì váy áo được mặc trong năm mới càng chứa đựng sự may mắn, suôn sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có dân tộc Mông xanh, Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Đối với trang phục của phụ nữ Mông xanh và Mông trắng, các họa tiết nổi bật trên lưng, cổ áo, phía trước ngực; trang phục của phụ nữ Mông đen và Mông hoa, các họa tiết trang trí chủ yếu tập trung trên hai ống tay áo, yếm và trên váy. Mặc dù chọn vị trí thể hiện khác nhau nhưng đường nét, hoa văn được thêu trên áo, váy vẫn mang chung quan niệm ý nghĩa giống nhau về khát vọng một cuộc sống hạnh phúc, an vui.
Phụ nữ Mông giỏi may vá, thêu thùa
Ngay từ khi còn nhỏ con gái người Mông luôn được khuyên dạy về việc khéo léo trong việc may vá: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh không biết cầm kim là hư”.
Bà Giàng Thị Mua, thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh (huyện Na Hang) cho biết: “Với đồng bào dân tộc Mông chúng tôi, người phụ nữ giỏi may vá, thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái Mông được mẹ đẻ tặng 1 - 2 bộ váy áo như của hồi môn. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ, cũng vì thế đối với những cô bé Mông, việc học thêu thùa là một bổn phận như phải lo cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp”.
Váy được trang trí đẹp, là thước đo độ khéo tay của phụ nữ Mông. Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã cùng mẹ học thêu, in sáp ong lên váy. Không có một khuôn mẫu nhất định, với sự quan sát tinh tế, bằng trí tưởng tượng, đôi tay khéo léo, những người phụ nữ Mông đã không ngừng sáng tạo. Họ tạo ra những hình khối, họa tiết, vẽ sáp, phối mầu chỉ thêu họa tiết trang trí để tạo ra những chiếc váy đẹp độc đáo của riêng mình.
Với người Mông, trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện “mặc” mà phía sau là cả những câu chuyện văn hóa, tâm linh của cả một tộc người, ẩn chứa nét riêng để làm đẹp và phân biệt các nhóm người Mông khác nhau. Ngày nay, nhu cầu của giới trẻ về “gu” thời trang có nhiều đổi mới, các đường nét trên trang phục của người Mông ngày càng đa đạng, hiện đại hơn. Tuy nhiên, vẫn giữ được giá trị đặc sắc, không làm mất đi khuôn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc.