Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xuân ở bản Tà Số

Thuỳ Anh - 08:42, 03/01/2023

Người Mông ở Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã và đang cùng nhau “vượt khó” vươn lên, làm kinh tế bằng chính bản sắc truyền thống và sự cần cù vốn có. Đồng bào đã nhanh chóng thu hút du khách thập phương và sự quan tâm đầu tư của chính quyền để trở thành bản du lịch cộng đồng trong tương lai gần.

Người phụ nữ Mông khéo tay thêu thùa may vá, họ chuẩn bị cho cả gia đình những bộ quần áo mới cho cả gia đình đón năm mới
Người phụ nữ Mông khéo tay thêu thùa may vá, họ chuẩn bị cho cả gia đình những bộ quần áo mới cho cả gia đình đón năm mới

Hành trình “vượt khó”

Sau hơn 2 năm quay trở lại Tà Số, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là tảng đá dựng ngay đầu bản khắc dòng chữ “Tà Số kính chào quý khách”; những vườn mận đang nở hoa trắng xóa, những nương ngô nương lúa đang chờ vụ mùa mới.

Vào tới bản, nhà nào cũng được đánh số, hai bên đường làng ngõ bản đều sạch đẹp, được trồng nhiều hoa. Từ người già tới trẻ em đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình… Khá ấn tượng là trên mỗi cổng của từng hộ gia đình có treo chiếc giỏ tre mang dòng chữ “cho tôi xin rác”...

Bản Tà Số nhìn từ trên cao
Bản Tà Số nhìn từ trên cao

Bản Tà Số được những người Mông hoa ở huyện Yên Châu (Sơn La) khám phá và di cư đến từ năm 1964. Trên mảnh đất nhiều cây ngải cứu này, ông Mùa A Khú cùng một số hộ dân đầu tiên đến tránh bom đạn của chiến tranh và dựng nhà ở, rồi ông Khú trở thành Trưởng bản thời kỳ sơ khai.

Ông Khú trầm ngâm: “Khi đến đây, chúng tôi thấy cả vùng đất này chỉ toàn cây ngải cứu. Chúng tôi đã bảo nhau, nơi mà cây ngải cứu sống được chắc chắn sẽ có mạch nước và trồng được lương thực, cho nên chúng tôi di chuyển đến đây ở và đặt tên bản là Tà Số, theo tiếng Mông thì Tà Số có nghĩa là Ngải Cứu”.

Người Mông bản Tà Số chúc nhau những điều tốt đẹp nhất khi Xuân về
Người Mông bản Tà Số chúc nhau những điều tốt đẹp nhất khi Xuân về

Cũng theo lời kể của những người già trong bản được biết, trước đây, ngoài trồng ngô và lúa nương, người dân còn trồng nhiều cây thuốc phiện để thờ cúng và bán cho những người vùng dưới lên mua. Chính vì thế mà, trong suốt một thời gian dài, thuốc phiện và cái nghèo, cái khổ luôn đeo bám dân bản.

Đến đầu thập niên 90, được sự phổ biến và vận động của chính quyền địa phương, những vị cao niên trong bản đã tiên phong phá bỏ cây thuốc phiện. Cả bản chung sức giúp người nghiện đi cai rồi cùng nhau tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Chị Tráng Thị Dớ - chủ Homestay A Lu chuẩn bị mâm cơm đãi khách đến chúc Tết truyền thống của người Mông.
Chị Tráng Thị Dớ - chủ Homestay A Lu chuẩn bị mâm cơm đãi khách đến chúc Tết truyền thống của người Mông.

Chỉ sau 5 năm, cuộc sống ở Tà Số đã có nhiều thay đổi, cả bản không còn người nghiện. Người dân trong bản bảo nhau xuống vùng dưới học hỏi cách trồng ngô, trồng lúa, các loại rau, rồi sau này là cây mận hậu, nhà nào cũng có vài héc ta nương đồi. Bà con còn bảo nhau nuôi gia súc tập trung trong nương, làm chuồng cách xa ra khỏi gần nhà ở để bảo đảm vệ sinh môi trường sống... Sản phẩm mang xuống bán cho người dưới thị trấn, có tiền là dân mình lại mua cây con giống về nuôi trồng, mua vật liệu làm nhà.

"Trẻ em trong bản hằng ngày phải men theo đường mòn xuống núi đi học. Tôi cùng người lớn tuổi trong bản vận động bà con, dù khổ mấy mỗi gia đình góp một bát gạo và công sức làm cái nhà tre để giáo viên họ ở lại với dân bản cho con mình có được cái chữ”, ông Mùa A Của, nguyên Trưởng bản Tà Số 1 chia sẻ.

Du khách sẽ được chơi những trò chơi dân gian cùng người dân như ném pao hoặc đánh tù lu vào những dịp cuối tuần
Du khách sẽ được chơi những trò chơi dân gian cùng người dân như ném pao hoặc đánh tù lu vào những dịp cuối tuần

Cũng trong những năm đầu thập niên 90, vì khát khao “vượt khó”, người dân trong bản đồng lòng, xin chính quyền các cho phép mở đường nối từ Quốc lộ 6 lên bản, con đường đất được hình thành từ đó.

“Năm ấy, ông Khú một mình ôm con gà xuống núi xin người ta cho đi nhờ xe lên tỉnh. Ông ấy đã nhịn ăn 2 ngày đi lại và mang về tin vui là lãnh đạo tỉnh đã đồng ý cấp cho 240 kg mìn để phá núi mở đường lên bản. Từ đó, bà con trong bản mới có những chiếc xe máy đầu tiên. Cũng từ khi có đường mới, trẻ con trong bản mới có người vào đại học”, ông Của kể.

Đánh tù lu là trò chơi truyền thống trong các dịp lễ hội của người Mông, được các bé trai yêu thích.
Đánh tù lu là trò chơi truyền thống trong các dịp lễ hội của người Mông, được các bé trai yêu thích.

Phấn khởi là, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đường lên bản được nâng cấp bằng đường bê tông cấp phối và hoàn thiện vào cuối năm 2019. Bà con thuận lợi giao thương với thế giới bên ngoài, đời sống kinh tế phát triển rõ rệt, bản Tà Số 2 đã thoát nghèo và trở thành bản văn hóa.

Định hướng phát triển du lịch cộng đồng

Bản Tà Số có khí hậu lạnh hơn so với các bản vùng thấp từ 4 - 6 độ C, địa hình núi cao cùng với văn hóa đồng bào dân tộc Mông còn nguyên vẹn. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, cuối năm 2021, nhiều hộ gia đình đã cùng nhau quyết tâm đi học tập kinh nghiệm mô hình bản văn hóa, du lịch cộng đồng; sau đó về phổ biến lại cho bà con để cùng nhau bắt tay vào làm du lịch.

Làm bánh dày đón Xuân mới
Làm bánh dày đón Xuân mới

“Cả 2 bản Tà Số 1 và Tà Số 2 có 6 hộ tiên phong làm Homestay cho khách lưu trú. Dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống và thiên nhiên ưu đãi, chúng tôi phối hợp với toàn thể bà con ở 2 bản xây dựng nếp sống văn minh và sẵn sàng đón khách du lịch”, anh Mùa A Lu, chủ Homestay A Lu chia sẻ.

Chỉ gần 1 năm trở lại đây, bản Tà Số đón hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm và lưu trú. Đời sống của bà con đã dần được cải thiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đã tăng lên, đạt 38 triệu mỗi năm (theo số liệu thống kê của xã Chiềng Hắc).

Ông Vì Văn Biên - Chủ tịch xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: “Chúng tôi sẽ cải tạo lại toàn bộ cảnh quan của bản; giữ lại những ngôi nhà cổ; khôi phục nghề rèn nông cụ, thêu thùa, dệt thổ cẩm truyền thống để bà sử dụng hằng ngày và bán ra thị trường; bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng như múa khèn Mông, hát giao duyên, các trò chơi dân gian như ném pao, đánh tù lu, giã bánh dày ngày tết… thực hiện trong ngày lễ lớn, Tết Độc lập 2/9, tết cổ truyền hằng năm và phục vụ du khách”.

Trẻ em người Mông ở bản Tà Số
Trẻ em người Mông ở bản Tà Số

Tà Số hiện chưa có tên trên bản đồ du lịch, nhưng “tiếng thơm” của Tà Số trong ngành du lịch đã thật sự hấp dẫn nhiều du khách.

Chị Nguyễn Thanh Nga - du khách đến từ TP. Hải Phòng chia sẻ: “Tôi đã đến Tà Số cách đây 2 năm trong một chuyến du lịch ghép mang tính chất để khám phá. Khi đó, cảnh vật và mọi thứ còn rất hoang sơ, chưa mang dáng dấp của du lịch. Tôi được biết Tà Số mới có Homestay nên quay trở lại vào đúng dịp tết của người Mông để trải nghiệm, tôi thấy đây là một nơi đáng đến”.

Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng chính quyền huyện Mộc Châu, kết hợp với dự án Great quan tâm đầu tư nhiều hơn về phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có bản Mông ở Tà Số.

Du Xuân
Du Xuân

Ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ: Đối với các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, tỉnh hướng  trọng tâm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở Mộc Châu. Với lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên, chính quyền định hướng bà con khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng. 

Theo quy hoạch chung của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các khu du lịch của huyện Mộc Châu sẽ phát triển, trở thành những khu du lịch trọng điểm, đồng thời tại Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có chỉ ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với những bản văn hoá điển hình như bản Tà Số...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.