Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những con đường mở ra no ấm

Quỳnh Trâm - 16:44, 01/06/2022

Ước mơ bao đời của bà con người Mông ở Ché Lầu (Na Mèo), Xía Mọi, Mùa Xuân (Sơn Thủy) của huyện Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa về những con đường bê tông vào xóm, lên bản thay cho đường đất, đường mòn đang dần trở thành hiện thực. Có đường giao thông thuận lợi, đời sống của đồng bào Mông tới đây sẽ bớt khó khăn.

Những người thợ đang nỗ lực hoàn thành con đường vươn tới bản Mông
Những công nhân của nhà thầu đang tranh thủ thi công, sớm hoàn thành con đường lên tới những bản Mông

Con đường thoát nghèo

Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, việc di chuyển đến bản vẫn còn nhiều khó khăn nhất là khi trời mưa. Thế nhưng bà con người Mông ở đây đang rất phấn khởi, bởi tới đây, họ sẽ có một con đường bê tông thuận lợi, thay thế cho con đường gập ghềnh dốc núi, trơn trượt.

Ché Lầu là bản đặc biệt khó khăn nằm tại khu vực biên giới, cách trung tâm xã Na Mèo hơn 10 km. Bản có 65 hộ dân với 300 nhân khẩu đều là người Mông; trong đó, có 61 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Đời sống kinh tế của người dân dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi,  trong khi trình độ dân trí, năng lực sản xuất kinh tế còn rất nhiều hạn chế nên thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các hủ tục vẫn còn tồn tại, khiến bao năm qua cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo.

Con đường đến với 3 bản đồng bào Mông của Quan Sơn trước đây chỉ là những lối đi nhỏ, đầy sình lầy
Con đường đến với 3 bản đồng bào Mông của Quan Sơn trước đây chỉ là những lối đi nhỏ, đầy sình lầy

Trước đây, do đi lại vất vả, người dân của bản dường như bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ thiếu thốn, đói ăn quanh năm, thường xuyên nhận trợ cấp của Nhà nước.

Để cuộc sống bà con thoát nghèo, từ Chương trình 30a, UBND huyện Quan Sơn đã đầu tư con đường từ bản Son đi Ché Lầu chiều dài hơn 5,1km. Dự án được khởi công từ tháng 2/2021. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Sơn cho biết: “Đường bản Son đi bản Ché Lầu đang được triển khai với tiến độ đã đạt 70% các hạng mục. Do địa hình phức tạp, chủ yếu đường đồi núi nên gây nhiều khó khăn cho đơn vị thi công. Ban Quản lý dự án đang đôn đốc nhà thầu tăng tiến độ thi công. Dự kiến, tháng 6/2022 dự án này hoàn thành để kết nối giao thông với bản người Mông”.

Không chỉ bản Ché Lầu, mà bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi (xã Sơn Thuỷ) cũng là các bản người Mông xa xôi và đi lại vô cùng khó khăn của huyện Quan Sơn.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, chúng tôi có chuyến công tác ở bản Mùa Xuân. Từ trung tâm xã Sơn Thủy đến bản phải đi hơn 10 cây số đường rừng, một bên là núi, một bên là vực thẳm, có những đoạn leo dốc thẳng đứng, trơn trượt, chỉ nhìn thôi đã thấy run chân.

Thế nhưng, trên con đường này, người dân bản Mông vẫn hàng ngày gùi gánh măng, rau rừng ra trung tâm xã bán lấy tiền, những đứa trẻ lặn lội gian nan đến trường. Mong ước lớn nhất bao đời của người dân nơi đây chỉ là có con đường, có điện lưới để cuộc sống đỡ vất vả.

Đến nay, mong ước của đồng bào đã và đang trở thành hiện thực khi điện lưới đã được kéo lên, những ánh đèn đã soi sáng bản làng. Từ năm 2020, huyện Quan Sơn cũng đầu tư làm đường giao thông từ các bản Mùa Xuân đi Xía Nọi (Sơn Thủy) chiều dài 1,3 km; Ban Dân tộc tỉnh cũng đã triển khai làm 2 đoạn đường kết nối Ché Lầu - Mùa Xuân.

Con đường bê tông có chiều dài hơn 5 km đang dần hình thành, góp phần cho bà con bản Mông ở Quan Sơn được giao thương thuận lợi hơn
Con đường bê tông có chiều dài hơn 5 km kết nối bản Son với Ché Lầu hoàn thành, sẽ góp phần cho bà con người Mông ở Quan Sơn được giao thương thuận lợi hơn

Kết nối niềm tin

Ông Thao Văn Lênh ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo cho biết, từ khi sinh ra và lớn lên ở bản này, gia đình ông chưa bao giờ no đủ. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, không được áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, vì thế dù làm nương rẫy vất vả, một năm chỉ được 20 bì ngô, lúa được 30 - 40 bì (bao tải đựng ngô - PV).

Theo ông Thao Văn Lâu, Trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo cho hay, bao năm qua, bà con trong bản luôn gặp khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế do thiếu vốn, kỹ thuật, và giao thông đi lại. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền bằng các chương trình, dự án chính sách dân tộc, các chương trình giảm nghèo với những nội dung, hạng mục đầu tư hỗ trợ thiết thực nên cuộc sống người dân đã tạm ổn. Hiện mong muốn lớn nhất của bà con là con đường đến bản hoàn thành sớm.

Dự kiến trong tháng 6 này, đường đến bản Ché Lầu sẽ hoàn thành
Dự kiến trong tháng 6 này, đường đến bản Ché Lầu sẽ hoàn thành

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo cho biết, Ché Lầu là bản đặc biệt khó khăn của xã. Trước đây, khi chưa có đường giao thông, bà con có trồng trọt, chăn nuôi cũng không hiệu quả vì không thể vận chuyển đi tiêu thụ. Từ khi con đường đến bản được khởi công, ngoài việc tạo thuận lợi để công trình sớm hoàn thành, xã còn đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vận động, định hướng bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập.

Có thể thấy, việc đầu tư làm đường mới đến các bản người Mông có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền, người dân ở những vùng cao khó khăn. Khi đã có đường, có điện, sẽ tạo động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng ngày càng khang trang, no ấm...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.