Đi trên đập tràn từ trung tâm xã vào thôn Nà Pổng, bà Lò Thị Phiên, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, đây là công trình được làm từ nguồn vốn của Chương trình 135. Trước đây, chưa có đập tràn, mỗi khi trời mưa lớn nước suối dâng cao, bà con không thể đi lại được. Từ khi đập tràn được xây dựng, người dân đi lại thuận tiện hơn vào mùa mưa bão.
Theo bà Phiên, Phiêng Pằn là xã ĐBKK nên từ năm 2016 đến nay, xã được đầu tư gần 8 tỷ đồng xây dựng gần 4km đường giao thông và cầu tràn qua suối… giải quyết được khó khăn về giao thông đi lại từ trung tâm xã vào các thôn; đồng thời góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa nông sản của bà con.
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Mai Sơn, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện được đầu tư tổng nguồn vốn gần 73 tỷ đồng để xây dựng, duy tu bảo dưỡng đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa; hỗ trợ gần 700 con giống gia súc, 334kg hạt giống và 102 mô hình phát triển sản xuất cho hơn 3.650 hộ dân... Nhờ đó, hiện nay 90% xã có đường nhựa đến trung tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,5% năm 2014 xuống còn 15,5% năm 2019.
Tại huyện Sốp Cộp, cũng nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình 135, cuộc sống của đồng bào từng bước được cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Điển hình như ở xã Nậm Lạnh, nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đã hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc như nuôi dê ở bản Mới; nuôi bò sinh sản ở bản Pánh Han; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19 triệu đồng/năm. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 48%, dự kiến năm 2020 sẽ giảm thêm trên 3%.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh được đầu tư gần 220 tỷ đồng vốn từ Chương trình 135 để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Dự án đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cho gần 37.000 hộ dân, gồm: Trên 3.000 con gia súc; trên 23.000 con gia cầm; 1.100kg giống cây lương thực; gần 1.483 cây giống ăn quả; hỗ trợ trên 2.000 máy móc thiết bị; trên 1.549 tấn phân bón các loại; xây dựng 40 mô hình phát triển sản xuất...
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã đầu tư xây dựng được 789 công trình, tổng vốn thực hiện trên 581 tỷ đồng, trong đó: Đường giao thông 182 công trình; thủy lợi 80 công trình; điện 20 công trình; nhà văn hóa 211 công trình; Trường học 103 công trình…
Đánh giá hiệu quả Chương trình 135, ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 lồng ghép với nguồn vốn khác đã và đang mang lại nhiều khởi sắc cho các xã ĐBKK nông thôn miền núi.