Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện Chương trình 135 ở Cao Bằng: Mang lại diện mạo mới cho vùng khó

Minh Thu - 09:33, 08/09/2020

Nhờ thực hiện tốt Chương trình 135 (CT135), thời gian qua, diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), biên giới của tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tiếp tục được cải thiện, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang.

Nông dân xã Hoàng Tung, huyện Hòa An chăm sóc cây ngô.
Nông dân xã Hoàng Tung, huyện Hòa An chăm sóc cây ngô.

Động lực để phát triển

“CT135 đầu tư nhiều công trình về kết cấu hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp người dân giảm nghèo”, ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám phấn khởi cho biết.

Theo ông Sao, từ năm 2016 đến nay, thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, xã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, phương tiện sản xuất cho hộ nghèo. Từ đó, các hộ dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác 2 vụ. Từ nguồn vốn của CT135, xã đầu tư xây dựng 2 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 6km, tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn trên 41%, hộ cận nghèo còn 29%.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng có 156 xã ĐBKK, xã an toàn khu, xã biên giới được đầu tư; có 98 xóm ĐBKK tại 29 xã, thị trấn, phường khu vực II được đầu tư theo cấp xóm; số vốn hằng năm đầu tư trên 240 tỷ đồng. Hiện có 100% xã được phân cấp làm chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và 100% xã được phân cấp là chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Cũng trong giai đoạn này, CT135 được thiết kế theo hướng trao quyền nhiều hơn cho người dân nghèo chủ động, tự vươn lên giảm nghèo bền vững. Theo đó, việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất được chú trọng theo nhóm hộ gia đình trên cơ sở xác định những nhu cầu thiết yếu chung của cả nhóm. Các hộ dân tham gia được lựa chọn công khai, dân chủ trên cơ sở tự nguyện.

Khởi sắc ở vùng khó

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng, miền, các dân tộc, từ nguồn vốn của CT135, đã có trên 971 tỷ đồng được đầu tư cho vùng ĐBKK của tỉnh. Theo đó, đã có 1.182 công trình hạ tầng được đầu tư, xây mới.

Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, giai đoạn 2016 - 2019, hơn 20.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, lò sấy, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng các mô hình sản xuất mới và nhân rộng, chuyển giao nhiều mô hình sinh kế có hướng giảm nghèo bền vững cho bà con.

Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như: Mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân trồng gừng hữu cơ tại huyện Hà Quảng; trồng nghệ hữu cơ tại 2 huyện Thông Nông, Nguyên Bình; trồng rau an toàn tại 2 huyện Thạch An, Hòa An; nuôi lợn đen, nuôi bò, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm... mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Đào Văn Mái, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phấn khởi cho biết: Nhờ nguồn vốn đầu tư CT135 lồng ghép với nguồn vốn khác, diện mạo các xã ĐBKK nông thôn miền núi đang dần khởi sắc. Đến nay, 100% xã, 85% xóm có đường ô tô, trên 60% xóm có điện, trên 50% trạm y tế xã đạt chuẩn... Việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ hợp lý, đúng tiêu chí, trọng tâm, trọng điểm và cách tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới, đúng với nhu cầu người dân, mở hướng đa dạng sinh kế bền vững cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo DTTS giảm gần 5%/năm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.