Xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh) được thành lập năm 1998, có 45% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu người Khmer. Lúc mới thành lập cả xã chỉ có hơn 3km đường cấp phối. Nhờ nguồn lực từ Chương trình 135, đến nay, các tuyến đường liên thôn, kết nối thôn với trung tâm xã đã được bê tông hóa. Giao thông thuận tiện, đời sống bà con cũng thay đổi rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%. Giai đoạn 2016 - 2020, xã chỉ còn 3 thôn ĐBKK.
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: Chương trình 135 có ý nghĩa rất đặc biệt, nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, các công trình được xây dựng, giao thông thuận tiện nên bà con yên tâm sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ một xã 135, nay Lộc Khánh chỉ còn 3 ấp thuộc diện ĐBKK, thu nhập đầu người của người dân tăng lên, đến năm 2020 là 30 triệu đồng/người/năm.
Xã Đường 10 là xã trẻ nhất của huyện Bù Đăng, được thành lập năm 2009 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Đăk Nhau và Bom Bo. Toàn xã có 2.070 hộ với 8.232 khẩu, trong đó 56,8% dân số là đồng bào DTTS.
Đây là xã duy nhất của huyện Bù Đăng thuộc xã ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135. Từ nguồn lực của Chương trình 135, đến nay xã Đường 10 đã được đầu tư các công trình đường giao thông nông thôn, điện, đường, trường học, đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Cũng như xã Lộc Khánh, xã Đường 10, các địa phương được thụ hưởng Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã và đang “thay da đổi thịt” từ nguồn lực đầu tư của Chương trình. Theo ông Maly Phước, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, trong 4 năm (2016 - 2019), tỉnh Bình Phước được phân bổ tổng vốn 113,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 150 công trình và tu sửa nhiều công trình khác cho các xã ĐBKK.
“Cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đường nhựa đến trung tâm xã, đường giao thông ra tận cánh đồng, điện đến từng nhà, nước sạch đến tận thôn, sóc… Nhờ vậy, đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã 135 đạt kết quả đáng kể. Đặc biệt, khi đời sống của đồng bào DTTS phát triển, dần hòa nhập với sự phát triển chung của huyện, của tỉnh, là yếu tố quan trọng để ổn định an ninh trật tự vùng DTTS và miền núi, vùng biên giới”, ông Maly Phước nhận định.
Cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đường nhựa đến trung tâm xã, đường giao thông ra tận cánh đồng, điện đến từng nhà, nước sạch đến tận thôn, sóc… Nhờ vậy, đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã 135 đạt kết quả đáng kể”.
Ông Maly Phước, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước