Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân Cư Kbang mong mỏi về một con đường

PV - 10:21, 04/03/2019

Từ xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk ra trung tâm huyện chỉ có một con đường độc đạo nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Giao thương hàng hóa hạn chế, nông sản bị ép giá, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trên con đường này, dù vậy địa phương này vẫn chưa được ưu tiên bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trên con đường chi chít ổ gà, ổ voi và bụi mù mịt này. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trên con đường chi chít ổ gà, ổ voi và bụi mù mịt này.

Cư Kbang là xã khó khăn nhất của huyện Ea Súp, với hơn 2.300 hộ dân (10.870 khẩu) sinh sống, trong đó 97% là DTTS, trình độ dân trí hạn chế, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm nay, tuyến đường huyết mạch nối liền trung tâm huyện dài khoảng 20km vẫn là đường đất. Vào mùa nắng, con đường xóc, bụi nhưng vẫn đi lại được, còn trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, mặt đường chi chít những hố sâu, nhiều chỗ bị ngập nước khiến các phương tiện đều bị mắc kẹt, không thể di chuyển.

Việc đường giao thông xuống cấp đang gây nhiều cản trở cho đời sống sinh hoạt và sự phát triển kinh tế của địa phương. Anh Nông Văn Định (thôn 4, xã Cư Kbang) cho biết: “Vào thời điểm người dân thu hoạch hoa màu đều trúng vào mùa mưa nên thường bị thương lái lấy cớ là xe không vào được để ép giá và đòi chi phí vận chuyển cao”.

Một khó khăn nữa là, xã Cư Kbang có 5 trường học với 200 giáo viên, hầu hết đều từ thị trấn Ea Súp và một số xã lân cận như Cư M’lan, Ea Lê, Ea Bung… vào giảng dạy. Đơn cử, như Trường Mầm non Cư Kbang có 25/33 giáo viên hằng ngày phải đi qua con đường này. Với quãng đường 17km từ huyện vào trường nhưng các giáo viên phải đi gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Mùa mưa thì càng trở nên nguy hiểm hơn khi đường trơn trượt, lầy lội.

Theo cô Phạm Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Kbang, dù ngày nắng hay mưa thì việc các cô giáo bị té ngã vẫn diễn ra thường xuyên; nhẹ thì xây xước, nặng thì gãy tay, gãy chân, thậm chí là tử vong. Bản thân cô cũng từng bị ngã xe gãy chân, phải phẫu thuật đến 3 lần mới có thể đi lại bình thường. Cách đây 3 năm, có một giáo viên nữ không may ngã xuống mương nước do không được phát hiện kịp thời, đã tử vong. Mới đây, trường cũng có 1 cô giáo bị ngã và phải nằm viện điều trị.

“Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm đầu tư nâng cấp và xây dựng tuyến đường này giúp cho việc đi lại của giáo viên, người dân đỡ vất vả và bảo đảm an toàn cho người dân”, cô Thảo cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho biết: Đây là con đường độc đạo để người dân trong xã đi ra trung tâm huyện nên mật độ lưu thông rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua con đường đã xuống cấp và hư hỏng trầm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục. Hằng năm, huyện cũng bố trí kinh phí để thuê máy ủi san gạt mặt đường giúp người dân đi lại được dễ dàng hơn, nhưng cũng như “bắt cóc bỏ đĩa” vì chỉ sau một thời gian ngắn đường lại hư.

Được biết, con đường này là một trong những tuyến đường thuộc Dự án “Đường liên huyện Ea H’leo- Ea Súp” có tổng chiều dài 42km, do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đăk Lăk làm chủ đầu tư. Năm 2010, đơn vị thi công đã tiến hành đổ đất, nâng đường và hoàn thành gần 2km thì dừng lại cho đến tận bây giờ vì thiếu vốn.

Ông Cao Thanh Hoài, cho biết thêm: “Trong các cuộc họp hay buổi tiếp xúc cử tri, địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên sớm xem xét, bố trí kinh phí xây dựng con đường để bà con Nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Rất mong thời gian tới, chính quyền tỉnh bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư sửa chữa đường nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

TUYẾT MAI

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.