Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trong thế giới đắm say từ âm thanh tre nứa

Lê Hường - 15:30, 24/09/2024

Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có rất nhiều nhạc cụ được chế tác từ tre nứa tạo ra thế giới âm thanh mê đắm lòng người. Từ những nhạc cụ truyền thống, các nghệ sĩ, nhạc sĩ còn sáng tạo, chế tác thêm các nhạc cụ mới càng làm phong phú thêm kho tàng nhạc cụ bằng tre nứa.

Đàn T’rưng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật
Đàn T’rưng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật

Hòa âm của núi rừng

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vô cùng khéo léo, biến hóa tre nứa thành các nhạc cụ độc đáo, phong phú về số lượng, cấu trúc, đặc sắc về âm thanh, vang tấu những bản hòa âm của núi rừng.

Dành tình yêu lớn cho âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Y Mip Ayun (SN 1942), buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa. Ông chia sẻ: Trong các loại nhạc cụ dân gian làm bằng tre nứa của người Tây Nguyên, phải kể đến là đàn T’rưng. Tiếng đàn vang lên trên nương rẫy không chỉ xua đi sự mệt mỏi khi lao động, mà còn mà xua đuổi thú rừng đến phá cây trồng. Còn trong lễ hội, tiếng T’rưng rộn ràng như suối chảy, chim kêu vang rộn khắp buôn làng khiến mọi người say sưa. Hay như âm thanh mộc mạc, gần gũi của Cing Kram (Chiêng tre). Mỗi chiếc Chiêng tre có âm sắc, giai điệu khác nhau, nhưng khi tất cả cùng ngân lên sẽ tạo thành một dàn hợp xướng có âm thanh lay động lòng người.

Cư dân bản địa ở vùng rừng núi nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng có những sáng tạo vô cùng phong phú trong việc chế tác nhạc cụ dân gian, đặc biệt là nguyên liệu từ cây tre, nứa.

Các loại nhạc cụ bằng tre nứa được truyền dạy cho trẻ em buôn làng
Các loại nhạc cụ bằng tre nứa được truyền dạy cho trẻ em buôn làng

Già làng Ama H’Loan, buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột là một trong những nghệ nhân hiếm hoi ở Đắk Lắk còn giữ được bí quyết tạo ra âm thanh, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre, nứa. Giới thiệu các loại nhạc cụ do mình chế tác, già Ama Hloan bảo: Nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa rất phong phú, mỗi loại có âm điệu khác nhau. Đinh Năm có âm thanh trầm lắng, vang xa dùng để đệm khi hát aray, thổi ở đám tang hoặc trên nương rẫy, núi rừng, đôi khi những chàng trai dùng Đinh Năm để tỏ tình với các cô gái; còn đàn Goong diễn lại những bài cồng chiêng bằng hình thức độc tấu, đôi lúc dùng để đệm hát hoặc dùng đồng tấu. Tiếng đàn Goong như lời tự sự, tâm tình của người Tây Nguyên.

“Để chế tác những cây đàn truyền thống ưng ý, người chế tác phải biết chọn tre, nứa già mang về phơi khô. Sau đó, gọt, đẽo và thử âm nhiều lần, rồi tỉ mỉ cắt, gọt khéo léo vì nếu cắt thừa hoặc thiếu âm thanh của nhạc cụ sẽ chênh, phô”, già Ama H’loan chia sẻ.

Phong phú thêm nhạc cụ tre nứa

Đàn Mõ - Một nhạc cụ bằng tre nứa được nghệ sĩ Nguyễn Trường sáng tạo nên
Đàn Mõ - Một nhạc cụ bằng tre nứa được nghệ sĩ Nguyễn Trường sáng tạo nên

Thế giới nhạc cụ từ tre nứa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như hòa âm của núi rừng mà càng thưởng thức, tìm hiểu, khám phá càng khiến người ta mê đắm. Từ những nhạc cụ truyền thống, các nghệ sĩ, nhạc sĩ đã tinh tế cách điệu, sáng tạo những nhạc cụ hết sức mới mẻ, độc đáo. Các nhạc cụ thuộc bộ hơi nhưng không chỉ là thổi mà chỉ cần sử dụng các thao tác như vỗ, gõ, dọng, vuốt… đều tạo nên âm thanh phong phú, đa dạng.

Về hưu sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực đào tạo, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, Nghệ sĩ Nguyễn Trường ở Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, sưu tầm, phục chế một số nhạc cụ dân gian từ tre, nứa. Đến nay, ông đã sở hữu vô số nhạc cụ như: Đàn T’rưng, đàn Đingpăh, Đing pơng, Ching Kram, Đing Tut, Đing Tak tar, Đing puốt, Ching Đing Arap M’ô... với cao độ chuẩn và âm thanh vang, sáng, rõ, mượt mà.

Đến nhà nghệ sĩ Nguyễn Trường, tôi như lạc vào thế giới của những thanh âm bằng tre, nứa. Từ tiếng lốc cốc dân giã của những chiếc đàn Mõ, nhịp điệu rộn ràng của đàn Chính Đing Arap M’ô cho đến âm thanh da diết của chiếc Violon tre.

Có những lúc nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa kết hợp nhạc cụ hiện đại
Nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa có kết hợp nhạc cụ hiện đại

Nghệ sĩ Nguyễn Trường chia sẻ: Trong một đợt điền dã đến huyện M’đrắk, tôi tình cờ bắt gặp và vô cùng thích thu khi thấy một cụ già dân tộc Ê Đê thổi nhạc Kypăh. Loại nhạc cụ này có âm sắc độc đáo của núi rừng Tây Nguyên, tôi mày mò học tập và nắm được nguyên lý phát âm, cấu tạo của chiếc Kypăh. Âm nhạc Tây Nguyên cũng từ đó thấm dần và cháy bỏng trong tôi. 

Một lần khác tôi lang thang về buôn làng và bất ngờ phát hiện tiếng khua lốc cốc của chiếc Mõ bò bằng tre, nứa vọng khắp núi đồi. Tôi tìm về các buôn làng để sưu tầm chiếc Mõ bò về nghiên cứu cấu tạo và âm thanh, rồi tìm các loại tre khác nhau để chế tạo đàn Mõ. Cuối cùng tôi cũng chế tác ra những chiếc đàn Mõ với nhiều cung bậc âm thanh khác nhau đầy thú vị. “Để chế tác mỗi nhạc cụ là sự tích lũy và hình thành qua một quá trình trải nghiệm và thực hiện nhiều năm”.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, một người nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân gian Tây Nguyên nhận xét rằng: Đàn Mõ là loại nhạc cụ hoàn toàn mới nhưng giữ nguyên vẹn được các phẩm chất độc đáo của chiếc Mõ bò nguyên thủy. Chỉ cần mở rộng âm vực, đàn Mõ sẽ phù hợp để diễn tấu các giai điệu Tây Nguyên.

Trên nền chất liệu âm nhạc truyền thống, nguyên liệu chế tác từ tre nứa, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận để các nghệ sĩ, nhạc sĩ tạo ra nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa hấp dẫn, làm phong phú thêm kho tàng nhạc cụ tre nứa mang đậm chất Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.