Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để tiếng đàn Chapi còn vang mãi

Thanh Thuận - 07:14, 07/08/2024

Đàn Chapi là nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Raglay ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Cây đàn Chapi đã gắn bó với cộng đồng người Raglay qua nhiều thế hệ, trở thành một nét đẹp văn hoá của người Raglay ở vùng đất nắng gió này. Trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, đàn Chapi vẫn đang được một số nghệ nhân ở Bác Ái gìn giữ và lưu truyền với mong muốn những âm thanh độc đáo của nhạc cụ này sẽ còn vang mãi...

Một số nhạc cụ truyền thống của người Raglay trong đó có đàn Chapi (giữa).
Một số nhạc cụ truyền thống của người Raglay trong đó có đàn Chapi (giữa).

Món ăn tinh thần của người Raglay

Trong một Hội nghị gặp mặt giao lưu các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tại Hà Nội, chúng tôi đã được xem và nghe nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Mai Thắm đến từ thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chơi đàn Chapi. Nghệ nhân vừa chơi đàn vừa ngân nga bài ca bằng tiếng Raglay mà ông học thuộc được từ thời thơ ấu. Âm thanh từ cây đàn Chapi phát ra nhịp nhàng, lúc trầm lúc bổng, văng vẳng âm điệu núi rừng.

NNƯT Mai Thắm cho biết, xưa kia Mã la (một loại cồng chiêng của người Raglay), đàn đá và Chapi như món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglay. Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là đàn Chapi. Đây là loại nhạc cụ bằng ống bương (tre) được các nghệ nhân người Raglay chế tác và chơi trong các lễ hội dân gian, nhất là trong các ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc như: Lễ bỏ mả, lễ lúa mới, lễ xuống đồng, Tết Nguyên đán...

Theo NNƯT Mai Thắm, với người Raglay, Chapi là loại đàn của người nghèo. Người nghèo nào cũng sắm được đàn Chapi, lúc buồn, lúc vui đều có tiếng đàn Chapi bầu bạn. Bởi lẽ, một bộ Mã la hoàn chỉnh phải từ 9 đến 12 chiếc, một chiếc Mã la cổ loại tốt phải được đổi từ một con trâu hoặc hai con bò. Đàn Chapi thì ngược lại, chỉ một ngày đi rừng tìm tre về làm là có đàn và có thể chơi được ngay, chỉ do một người đánh, trong khi Mã la phải cần tới dăm bảy, thậm chí cả chục người chơi.

NNƯT Mai Thắm khảy đàn Chapi.
NNƯT Mai Thắm khảy đàn Chapi.

Điều đặc biệt, âm thanh của đàn Chapi cũng chẳng khác nào một bộ Mã la thu nhỏ. Thanh âm Chapi rung lên lúc khoan, lúc nhặt, lúc buông lơi đong đầy tình cảm. Đơn giản, gọn nhẹ là thế nên đàn Chapi theo chân người Raglai trên khắp mọi ngả rừng, ngọn núi, mọi con đường thôn, xã, để lúc vui, lúc buồn mọi người đều có thể chơi được đàn. 

Đàn Chapi có 6 điệu và mang những cái tên rất giản dị: Điệu con ếch, điệu con chim, điệu quên đồ, điệu than thở, hay điệu em ở lại anh về. “Nhịp Chapi chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái khoan thai, thư thả và những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người Raglay”, NNƯT Mai Thắm cho hay.

Nhìn bề ngoài, đàn Chapi là một ống tre già, dài khoảng 40cm, đường kính 7-8cm, được đục thủng hai đầu. Theo NNƯT Mai Thắm, để làm đàn Chapi, người ta phải vào rừng chặt tre. Tre phải là ống tre gai tròn, vỏ đã ngả vàng, bóng, mọc trên những đỉnh đồi cao, rễ không bị hút nhiều nước. Sau khi dùng rựa phạt ngang thân, đốn ra thành lóng mang về, rồi đem gác trên chái bếp 3-4 tháng cho ống tre gai thật khô, thật dai mới đem ra làm đàn. Tre sấy càng khô kiệt, sẽ cho âm thanh càng hay, khi dùng tránh bị mối mọt. 

Mỗi cây đàn Chapi có 8 dây đàn, mỗi dây để cách nhau khoảng 2cm. Sự độc đáo của những cây đàn Chapi ở chỗ những sợi dây đàn chính là những sợi tre. Đây cũng là phần chế tác khó nhất để làm ra cây đàn của người Raglai.

Để chế tác dây đàn Chapi, nghệ nhân dùng dao rạch lên vỏ tre, khéo léo tách vỏ thành bốn cặp dây khoảng cách đều nhau nhưng có độ dày mỏng khác nhau. Sau đó, họ vót miếng tre thật nhẵn, nhét vào giữa hai sợi dây song song, rồi buộc chặt bằng những sợi dây hái trên rừng, vừa làm vừa thẩm âm, sao cho sợi dây đàn có thanh âm hay nhất.

Cây đàn Chapi có 4 lỗ tương ứng với 4 phím đàn, vị trí lỗ đàn nằm ở giữa thân tre, có hai lỗ ở hai đầu để âm thanh thoát ra ngoài. Khi đánh đàn Chapi, người nghệ sĩ phải nâng đàn lên cao gần ngực, kê đầu rỗng vào thành bụng để giữ âm lại trong ruột đàn. Hai bàn tay vừa để giữ đàn, vừa để gảy các dây đàn theo nhịp điệu.

Bởi điệu đàn chapi không thể ký âm ra giấy được mà chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. Chính vì lẽ đó, người ta phải chơi đàn mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi. Chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai. "Đồng bào mình ít biểu lộ tình cảm bằng lời, bởi thế nên hay mượn Chapi để cởi tấm lòng" - nghệ nhân Mai Thắm cho biết.

Gìn giữ âm thanh độc đáo của đàn Chapi

Ngày nay, không gian lễ hội không còn như xưa cũng như do ảnh hưởng của các trào lưu mới, việc chơi đàn Chapi đang bị mai một trong các làng người Raglay. Ngay tại chính cái "nôi" của đàn Chapi, rất ít người còn biết đến âm thanh của cây đàn Chapi và không biết khảy đàn Chapi nữa. Điều đó khiến những người nặng lòng với việc bảo tồn văn hóa Raglay như nghệ nhân Mai Thắm thấy buồn lòng. 

"Thế hệ chúng tôi luôn băn khoăn, lo lắng rồi đây âm thanh Chapi không còn vang lên trong những buổi sinh hoạt cộng đồng của người Raglai nữa, không còn ai biết khảy Chapi nữa", NNƯT Mai Thắm lo lắng.

Do đó, bảo tồn bản sắc văn hóa Raglay, trong đó có gìn giữ tiếng đàn Chapi là một việc làm quan trọng mà những người nặng lòng với văn hóa dân tộc như NNƯT Mai Thắm luôn canh cánh trong lòng.

Đàn Chapi của người Raglay ở Ninh Thuận.
Đàn Chapi của người Raglay ở Ninh Thuận.

Thời gian qua, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglay, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng "Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2023 - 2026 và tầm nhìn đến năm 2030" gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglay. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, khơi dậy và khôi phục "không gian văn hóa" của đồng bào Raglay. Trong đó, có mở các lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc để lớp trẻ hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống.

NNƯT Mai Thắm không chỉ mở "lò" đào tạo đánh Mã la, Chapi cho người dân xã Phước Thắng tại nhà mình, ông còn cùng các nghệ nhân Chamalé Âu, Chamalé Liếp tham gia đứng lớp dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc của tỉnh Ninh Thuận. Ông cần mẫn, tỉ mỉ hướng dẫn cách đánh đàn Chapi và cách phân biệt các bài nhạc sao cho phù hợp với từng lễ, hội khác nhau. "Nếu người Raglay mình mà không chịu học tập hoặc truyền dạy cho các lớp thế hệ sau thì những nhạc cụ như Chapi, khèn bầu, Mã la,… sẽ không còn ai biết đến nữa. Do vậy, phải có những lớp truyền dạy như thế này để giữ gìn bản sắc văn hoá tốt đẹp của người Raglai", NNƯT Mai Thắm khẳng định.

Qua các lớp truyền dạy này, nhiều thanh niên Raglay đã biết đến và tập luyện đàn Chapi, trở thành thành viên của đội văn nghệ địa phương. Điều này khiến các nghệ nhân lớn tuổi như NNƯT Mai Thắm hết sức phấn khởi vì đã có lớp trẻ tiếp nối giá trị truyền thống dân tộc.

Với những nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc của tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, tại các khu du lịch cộng đồng tại huyện Bác Ái, tiếng đàn Chapi đã hòa quyện với các nhạc cụ khác đang trở thành điểm thu hút khách tham quan du khách khi đến với vùng đất Ninh Thuận nắng gió.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.