Mở lối thoát nghèo
Theo đánh giá của ngành chức năng, qua triển khai trong thực tế, đến nay, nhiều loại dược liệu đã được nghiên cứu, phát triển sản xuất, trở thành nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số loại dược liệu có thể xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thuốc từ dược liệu, mang lại tiềm năng rất lớn cho việc phát triển trồng trọt cây dược liệu ở trong nước. Trong đó có một số cây dược liệu quý phân bố tự nhiên trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang góp phần giúp đồng bào vùng cao A Lưới mở lối thoát nghèo.
Đơn cử như trường hợp gia đình anh Hồ Văn Như - Trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm. Từ năm 2019, anh Như đã tận dụng đất đai để trồng sâm Bố Chính và cà Gai leo. Đến đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Như mở rộng diện tích trồng 2ha sâm và Cà gai leo.
“Với giá bán bình quân 70.000 đồng/kg sâm tươi, thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng sâm Bố Chính và cà Gai leo để phát triển kinh tế gia đình”, anh Như chia sẻ.
Hiện nay, ngoài sâm Bố Chính, người dân xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới còn trồng thêm khoảng 10ha cây cà Gai leo - một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, chữa bệnh lý về gan.
Theo ông Hồ Văn Ngực - Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm: Qua thực tế cho thấy, trồng dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây lương thực ngắn ngày của bà con. Sắp tới, địa phương sẽ mở rộng diện tích sâm Bố Chính, tăng dần diện tích nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt để đảm bảo đầu ra. Đồng thời, nghiên cứu chế biến, đóng gói thành sản phẩm rượu sâm, mật ong sâm, trà sâm để bảo quản lâu hơn.
Cùng với cây sâm Bố Chính, cây cà Gai leo ở xã Quảng Nhâm, chính quyền huyện A Lưới đã đưa khoảng 2ha cây Gừng gió và Thiên niên kiện vào trồng thử nghiệm với 64 hộ đồng bào DTTS ở xã A Roàng tham gia. Sau gần 3 năm trồng, cây Thiên niên kiện và Gừng gió phát triển tốt. Với phương châm khai thác một phần, phần còn lại để cây tái sinh, nên cây cho thu hoạch hằng năm đều, gần với quy luật tự nhiên.
Tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây dược liệu trên địa bàn, huyện tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực. Đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719. Hiện nay, huyện A Lưới đang xây dựng bản đồ Nông hóa thổ nhưỡng cho 12 xã để xác định các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với từng cây trồng cụ thể trên từng vùng đất, triển khai hạ tầng, các tuyến đường vào các khu có thể trồng được cây dược liệu.
Thông tin từ Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện A Lưới khảo sát lại thực trạng trồng, khai thác tự nhiên về cây dược liệu; khảo sát đặc điểm đất đai, khí hậu; xác định cây trồng; gắn việc trồng, phát triển cây dược liệu với sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là tín hiệu vui để đồng bào các DTTS ở huyện A Lưới có điều kiện gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2024.
Có thể nói, việc triển khai được dự án Đầu tư, hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện A Lưới có ý nghĩa thiết thực, không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà còn có ý nghĩa với công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi theo các nội dung thuộc Chương trình MTQG 1719.
Như nhận định của ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế: Chúng tôi đã dựa trên chính sách của Chương trình MTQG 1719, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chuỗi liên kết để phát triển dược liệu quý tại huyện A Lưới; triển khai các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng để khai thác nguồn nguyên liệu theo mục tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt là giải quyết sinh kế cho người dân. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư để khai thác tiềm năng các vùng dược liệu quý.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Dự án đầu tư, hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG 1719 do Bộ Y tế tổ chức tại Thừa Thiên Huế mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết huyện A Lưới đã ban hành Thông báo lựa chọn chủ trì liên kết với quy hoạch tổng diện tích 305ha cây dược liệu tại 3 xã: Quảng Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng. Đồng thời, phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng cho 3 xã.
Hiện nay, tỉnh đang lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh trước khi ký phê duyệt Dự án triển khai thực hiện trên diện tích 215ha (trong đó có 210ha trồng dược liệu với 5 loại cây chính là Thạch tùng răng cưa, Thông đỏ lá dài, Bảy lá một hoa, Gấc và 5ha xây dựng nhà máy, vườn ươm tại xã Quảng Nhâm). Đến nay, đã có 3 HTX và 313 người dân đăng ký tham gia trồng cây dược liệu.