Theo đó, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 18 huyện được chọn để xây dựng vùng trồng dược liệu quý theo Chương trình MTQG 1719. Đây là địa phương có điều kiện khí hậu hai mùa mưa, nắng rõ rệt, nơi có một số loài cây thuốc quý phân bố trong tự nhiên như ba kích, nhân trần, thiên nhiên việc đánh giá lựa chọn những loài cây thuốc có giá trị y tế và giá trị kinh tế để phát triển trồng trọt là có tính khả thi cao.
Đến nay, nhiều loại dược liệu đã được nghiên cứu, phát triển sản xuất, trở thành nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế và có nhu cầu xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thuốc từ dược liệu, mang lại tiềm năng rất lớn cho việc phát triển trồng trọt cây dược liệu ở trong nước, trong đó có một số cây dược liệu quý phân bố tự nhiên trên địa bàn huyện A Lưới.
Trên cơ sở Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Cục Y dược cổ truyền, Viện dược liệu và Viện nông hóa thổ nhưỡng; huyện A Lưới đã ban hành Thông báo lựa chọn chủ trì liên kết với quy hoạch tổng diện tích 305 ha tại 3 xã: Quảng Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng. Đồng thời, phê duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng cho 3 xã. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh trước khi ký phê duyệt Dự án triển khai thực hiện. Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 215ha (trong đó có 210ha trồng dược liệu với 5 loại cây chính là thạch tùng răng cưa, thông đỏ lá dài, bảy lá một hoa, gấc và 5ha xây dựng nhà máy, vườn ươm tại xã Quảng Nhâm). Đến nay, đã có 3 HTX và 313 người dân đăng ký tham gia trồng cây dược liệu.
Việc triển khai được dự án Đầu tư, hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện A Lưới có ý nghĩa thiết thực, không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà còn có ý nghĩa với công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng. Dự án dược liệu quý là tiền đề phát triển các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu cao, bảo tồn nguồn gen dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng trong các tán rừng tự nhiên. Từ đó, tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời định hướng mở rộng phạm vi triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu có giá trị kinh tế gắn với các chương trình MTQG giai đoạn tiếp theo (từ năm 2026 đến năm 2030).