Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bắc Hà (Lào Cai): Phát triển cây dược liệu để xóa nghèo

Minh Thu - 12:18, 22/12/2023

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là một trong những huyện nghèo của cả nước với hơn 84% dân số là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Nếu như trước đây, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô, thì từ khi cây dược liệu xuất hiện đã làm thay đổi diện mạo nơi đây.

Thung Lũng dược liệu cát cánh thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà). Ảnh: Khuất Linh
Thung Lũng dược liệu cát cánh thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà). Ảnh: Khuất Linh

Năm 2013, Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tới năm 2020 định hướng 2030, tạo những chính sách riêng cho cây dược liệu. Trong 8 vùng quy hoạch trồng dược liệu có thế mạnh, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái đáp ứng nhu cầu thị trường, Bắc Hà được quy hoạch để phát triển 12 loài dược liệu bản địa và nhập nội.

Cây dược liệu trồng tại Bắc Hà được xác định là là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Lào Cai theo Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong năm 2022, cùng với hỗ trợ về vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), người dân các xã trong vùng sản xuất dược liệu của huyện Bắc Hà đã tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu, với tổng diện tích 163 ha, tăng 93 ha so với năm 2021. Các loại cây dược liệu trồng chủ yếu là cát cánh, đương quy, Atiso, mạch môn. 

Năm 2023, huyện Bắc Hà trồng 258 ha cây dược liệu theo kế hoạch năm, trong đó có 168 ha cát cánh, 55 ha mạch môn, 20 ha đương quy, 5 ha Atiso, 10 ha cây dược liệu khác (đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, bạch truật…).

Đồng bào DTTS tại Bắc Hà trồng cây dược liệu.
Đồng bào DTTS tại Bắc Hà trồng cây dược liệu

Tại xã vùng cao Tả Van Chư, thủ phủ cây dược liệu cát cánh của huyện Bắc Hà, với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, xã đã chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác. Từ thành công trong việc đưa cây dược liệu vào trồng trên diện tích đất cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả, năm 2023, xã Tả Van Chư tiếp tục trồng 92 ha cây dược liệu, trong đó có 80 ha cát cánh, còn lại là đương quy và mạch môn.

Gia đình ông Giàng Seo Giáo ở thôn Lả Gì Thàng là hộ đầu tiên và cũng là hộ trồng nhiều cây dược liệu nhất xã khi tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện từ vụ Đông - Xuân 2017 - 2018. Niên vụ 2021 - 2022, gia đình ông trồng 1,2 ha cây cát cánh.

Ông Giáo cho biết: Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cán bộ huyện, xã xuống hướng dẫn thu hoạch, cán bộ Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua. Với mức giá 20.000 đồng/kg củ tươi, gia đình ông thu nhập hơn 110 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần so với trồng ngô. Vụ năm nay, gia đình ông tiếp tục duy trì diện tích trồng hơn 1 ha cây dược liệu cát cánh, hiện đã cày, bừa, đánh luống, làm xong đất và bắt đầu trồng cây”.

Thôn Lả Gì Thàng có 53 hộ đồng bào Mông với gần 300 khẩu. Năm 2021, đã có 50 chị em, đại diện cho 50 hộ gia đình trong thôn tham gia mô hình trồng cây dược liệu. Kết quả, sau 1 năm, các chị em đã thu về 6 tỷ đồng từ 40 ha cây cát cánh và 2 ha cây đương quy.

Chị Tráng Thị Ngọc Linh - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lả Gì Thàng là người tiên phong và dẫn dắt các chị em trong thôn trồng cây dược liệu. Chị Linh đã có 4 năm liên tiếp tham gia dự án trồng cây dược liệu. Năm 2021, gia đình chị thu lãi được 120 triệu đồng.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà cây dược liệu còn thu hút khách du lịch đến tham quan.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà cây dược liệu còn thu hút khách du lịch đến tham quan

Chị Linh chia sẻ: “Trồng dược liệu đòi hỏi đầu tư công lao động, chăm bón hơn trồng ngô lúa, song thu lãi gấp nhiều lần. Mình tin tưởng, đây sẽ là mô hình làm kinh tế hiệu quả, đem lại nguồn thu tốt cho gia đình hội viên phụ nữ và đồng bào Mông địa phương”.

Gia đình chị Vàng Thị Gánh, dân tộc Mông tại thôn Lả Gì Thàng có 1 ha đất nông nghiệp, trước đây chủ yếu trồng ngô và lúa, nhưng giá trị kinh tế rất thấp, cuộc sống bấp bênh, đói nghèo. Thế nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng cây dược liệu cát cánh, vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào DTTS huyện Bắc Hà, mà cây dược liệu cát cánh còn thu hút khách du lịch đến với vùng cao này. Từ tháng 6 - 9 dương lịch là mùa hoa cát cánh nở rộ, nhuộm sắc tím biếc trải dài nương rẫy rất đẹp, trong khoảng thời gian này nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm. Từ đó các loại hình dịch vụ du lịch, ăn uống, nghỉ qua đêm… tại địa phương cũng bẳt đầu phát triển, bà con có thêm việc làm và thu nhập.

Cây dược liệu cát cánh đang được kỳ vọng là cây trồng giúp xóa nghèo, góp sức đổi thay diện mạo nông thôn và cuộc sống của đồng bào các DTTS nơi rẻo cao Bắc Hà.

Ông Nguyễn Xuân Giang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết, niên vụ Đông - Xuân 2022 - 2023, huyện Bắc Hà trồng 100 ha cây cát cánh, tăng gần 30 ha so với năm 2022, trong đó xã Tả Van Chư 63 ha, Lùng Phình 9,5 ha, Lùng Cải 6 ha, Tả Củ Tỷ 10 ha, Hoàng Thu Phố 36,5 ha, Bản Phố 5 ha.

Để bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân và thị trường tiêu thụ ổn định, trong năm 2023, huyện Bắc Hà tiếp tục duy trì và ký kết thêm hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp. Riêng xã Tả Van Chư năm nay dự kiến hoàn thành trồng 70 ha cây dược liệu cát cánh, vượt 7 ha so với kế hoạch.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.