Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hướng đi mới từ mô hình phát triển cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái

Lưu Hoà - 07:54, 24/11/2023

Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân tại nơi đây, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Lào Cai, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai hướng dẫn nông dân vít cành, bọc quả ngoài thực địa.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai hướng dẫn nông dân vít cành, bọc quả ngoài thực địa.

Cây ăn quả ôn đới nói chung và cây lê VH6 nói riêng là những loại cây trồng thế mạnh tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, hằng năm các địa phương vẫn luôn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư để nâng cao năng suất, giá trị thu nhập cho nông dân trồng cây ăn quả ôn đới. Quả lê VH6 có vị đặc trưng, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, bên cạnh đó giống lê VH6 thường chín sớm hơn, do đó có lợi thế về thị trường tiêu thụ, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Tuy nhiên, hiện năng suất và giá trị thu nhập từ cây lê VH6 tại các địa phương như Bắc Hà, Sa Pa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về khí hậu. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như diện tích lê VH6 trồng phân tán, địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; mức đầu tư thâm canh của người dân còn hạn chế, nhiều hộ dân trồng và chăm sóc cây ăn quả theo phương thức canh tác cũ (ít bón phân, không tiến hành vít cành, tạo tán; không chủ động phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là không bọc quả nên mẫu mã và chất lượng quả thấp). Một số vùng trồng lê, bà con chưa biết tạo ra cảnh quan đẹp để mọi người đến tham quan, du lịch, trải nghiệm.

Từ những tồn tại đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp với UBND huyện Bắc Hà triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà với quy mô 3ha/12 hộ tham gia dự án. Các hộ nông dân được hỗ trợ các loại vật tư như phân bón hữu cơ sinh học, phân đạm, phân kali, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, túi bọc quả; tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cây ăn quả ôn đới. Đến nay, Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh đã phối hợp với UBND xã Tả Van Chư tổ chức được 1 lớp tập huấn kỹ thuật và cấp phát các loại vật tư hỗ trợ đảm bảo chất lượng và thời vụ sản xuất.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.

Mô hình triển khai bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức cho nông dân vùng khó khăn về việc cần thiết phải chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu mới của thị trường, khắc phục các tồn tại dẫn đến chất lượng quả thấp, mở ra hướng canh tác mới phù hợp với trình độ, tập quán của nông dân vùng cao, tạo thu nhập ổn định, ít bị rủi ro và ảnh hưởng của thị trường biến động. Mặt khác việc sử dụng các loại vật tư như phân bón hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học giúp bảo vệ sức khoẻ người sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường.

Theo Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, để mở rộng vùng trồng cây ăn quả ôn đới chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Tả Van Chư, cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Hà hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lê VH6 đảm bảo kỹ thuật, hướng dẫn bà con tạo cảnh quan kết hợp phát triển du lịch mang lại hiệu quả cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp nơi đây.

Về phía các địa phương, cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; động viên, hỗ trợ nông dân cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, hỗ trợ, phục vụ khách du lịch trong quá trình tham quan, trải nghiệm, du lịch tại địa phương.



Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.