Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trồng dược liệu giúp đồng bào DTTS ở Con Cuông vươn lên thoát nghèo

Đức Bình - 05:11, 12/12/2023

Từ những kết quả đã đạt được qua mô hình phát triển cây dược liệu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng đắn, tạo thu nhập, sinh kế ổn định cho bà con DTTS trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Cánh đồng cà gai leo của người dân huyện Con Cuông
Cánh đồng cà gai leo của người dân huyện Con Cuông

Con Cuông là huyện miền núi với 80% dân số là người DTTS, bao gồm các dân tộc: Thái, Đan Lai, Tày, Nùng, Ê Đê, Khơ Mú và Hoa sinh sống tại 13 xã, thị trấn trong huyện. Nhiều năm trước đây, đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, năm 2020, xã Châu Khê được huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An chọn thí điểm xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo trên diện tích 1 ha, với 25 hộ dân thôn 2 Tháng 9 tham gia. Ngoài vật tư, phân bón, cây giống, các hộ dân còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cà gai leo.

Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cà gai leo ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Đến nay, xã Châu Khê đã có khoảng 70 hộ dân trồng cà gai leo trên diện tích 6,5ha. Bình quân 1ha trồng cà gai leo sau khi trừ các khoản chi phí, người dân có thể thu lợi trên 100 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với các loại cây khác. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều người dân Châu Khê đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Thế Dũng, ở thôn 2 Tháng 9 cho biết: Trước đây, người dân trồng các loại cây như sắn hay mía, không hiệu quả. Từ năm 2020, nhờ chuyển sang trồng cà gai leo, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Thấy được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân thôn 2 Tháng 9 chuyển sang canh tác cà gai leo.

Ngoài tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình cây trồng để phát triển bền vững, chính quyền địa phương còn chú trọng phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Huyện Con Cuông hiện có khoảng 37 hợp tác xã, trong đó có 17 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó có một số hợp tác xã đã xây dựng được các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên là người DTTS. Tiêu biểu trong số đó là Hợp tác xã cây con xã Chi Khê; Hợp tác xã Dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản Khe Rạn; Hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê...

Cây cà gai leo đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân
Cây cà gai leo đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Đặc biệt, Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam.

Hợp tác xã Pù Mát hiện thu hút khoảng 130 thành viên là các hộ dân người DTTS tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu và mục tiêu trong tới tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện. Từ ngày hình thành hợp tác xã đã mang lại hiệu quả cho bà con DTTS. Không chỉ cung cấp giống, kỹ thuật, mà Hợp tác xã còn đảm bảm bao tiêu sản phẩm, cả đầu vào và đầu ra cho bà con.

Cà gai leo là loại cây trồng mới ở vùng đất này nhưng hiệu quả kinh tế rất cao - bình quân năng suất đạt mức 35 tấn tươi/ha, tổng sản lượng trên 700 tấn/năm. Thông qua mô hình liên kết, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gần 200 hộ dân. Với giá thu mua 7.300 đồng/kg tươi, mỗi hecta cà gai leo cho doanh thu khoảng 240-270 triệu đồng, đem lại lợi nhuận cho người trồng 120-150 triệu đồng/năm.

Ông Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát cho biết, Công ty đang liên kết với người dân nhiều xã ở huyện Con Cuông trồng cây dược liệu. Việc cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như thu mua toàn bộ sản phẩm đều do Công ty đảm nhận.

Ngoài Châu Khê, tại huyện Con Cuông, cà gai leo còn được trồng nhiều tại các xã Lạng Khê, Thạch Ngàn, Chi Khê…

Với gần 1.000 loài quý hiếm, Nghệ An có nguồn dược liệu phong phú vào loại nhất cả nước, được phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Những năm qua, việc trồng, chế biến cây dược liệu đã dần trở thành hướng đi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở các huyện miền núi, nhất là vùng núi cao.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo cho người dân
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo cho người dân

Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng còn khó khăn; ngoài tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất dược liệu, thì tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại có giá trị.

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I 2021 - 2025) về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Con Cuông được phân bổ 4,403 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn động lực lớn để huyện Con Cuông tiếp tục thực hiên mục tiêu phát triển mô hình cây dược liệu giúp bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.