Tham gia Hội thi có 22 đội; trong đó, 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện và 11 đội khách mời là các đầu bếp của các đội thi nổi tiếng đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Hội thi diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 7/12 đến ngày 8/12/2023, tại Quảng trường Trung tâm huyện Tu Mơ Rông.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Các món ăn ngon, bổ dưỡng từ sâm dây do các đội thi sáng tạo ra sẽ được huyện sử dụng để mời du khách thưởng thức. Các công thức chế biến món ăn mới từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách để giới thiệu cho người dân cả nước biết, sử dụng nhằm bồi dưỡng sức khỏe. Đặc biệt, qua hội thi, đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện sẽ học được nhiều công thức chế biến món ăn bản địa hợp với khẩu vị du khách, từ đó giúp họ chủ động tham gia phục vụ nấu ăn cho khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, trong dịp này, UBND huyện đã tặng quà cho 10 du khách (từ 9.991 đến 10.000) đến Tu Mơ Rông năm 2023 như là sự tri ân đối với khách du lịch đã yêu mến cảnh đẹp Tu Mơ Rông, chọn vùng đất sản sinh ra cây quốc bảo sâm Ngọc Linh để nghỉ dưỡng. Những phần quà huyện tặng là ảnh thác Siu Puông - biểu tượng du lịch của Tu Mơ Rông và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Trong khuôn khổ Hội thi, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức phân hạng, xếp loại 15 sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu, nông sản nhằm hướng đến xây dựng đặc sản địa phương; sau đợt xếp hạng này, huyện sẽ xúc tiến để tỉnh sớm công nhận các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm ra sản phẩm OCOP.
Tổ chức Hội thi cồng chiêng, múa xoang cho thanh thiếu niên các trường học. Tham dự hội thi cồng chiêng có 11 đội đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Các đội thi sẽ có 10 đến 15 phút biểu diễn phần thi của mình. Trên cơ sở các bài thi, các nghệ nhân sẽ chấm điểm, xếp hạng. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích và các giải phụ năng khiếu khác.
Huyện Tu Mơ Rông có hơn 95% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Đây là một kho tàng văn hoá vô cùng độc đáo. Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hoá cồng chiêng của người Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng, dạy đánh chiêng miễn phí. Hội thi cồng chiêng, múa xoang cho thanh thiếu niên các trường học đợt này cũng nhằm hun đắp tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Qua hội thi, huyện sẽ tuyển chọn những em có năng khiếu cồng chiêng để bồi dưỡng, giúp các em trở thành những người kế tục văn hóa cồng chiêng thay lớp cha ông đã già yếu.