Thưa ông, được biết, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đặt ra là 54 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2023 xuất khẩu bị giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Vậy, mục tiêu này có đạt được trong tháng 12/2023 không, thưa Ông?
Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn của toàn ngành kinh tế, không những đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều tín hiệu tích cực.
Nhìn lại 11 tháng qua, phải nói là toàn ngành luôn “bám đuổi” mục tiêu 54 tỷ USD. Về kết quả đạt được, tôi rất vui mừng. Chưa năm nào giá lúa gạo cao như năm nay và vẫn tiếp tục tăng. Giá lúa gạo Việt Nam được coi là cao nhất trên thế giới. Sản lượng lúa thu hoạch đã đạt 41,17 triệu tấn, hoàn toàn khả thi nếu so với kế hoạch đạt trên 47 triệu tấn. Như vậy, vừa phục vụ đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đảm bảo đủ để chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống cũng như xuất khẩu”. Ngoài ra, xuất khẩu lúa gạo đã đạt 4,41 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 36,3%.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7%. Tuy nhiên, tháng 11 đã xuất khẩu được 4,79 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2022. Thặng dư thương mại là 10,6 tỷ USD, tăng 33,7%.
Về thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục được duy trì với3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 23,2%, tăng 18%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đó là những con số rất quan trọng để thấy sự phát triển, đóng góp tích cực của ngành Nông nghiệp cho ổn định xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Về mục tiêu đã đề ra, tôi cho rằng: Dù có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Nông nghiệp đã “bám đuổi” mục tiêu 54 tỷ USD và đến giờ này đã đạt được 47,84 tỷ USD, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, với những lợi thế của rau củ quả, của hạt điều và sự ổn định trở lại của lâm nghiệp và thủy sản, toàn ngành Nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu 54 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Việt Nam luôn coi Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn truyền thống và tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Nhất là khi Trung Quốc chuẩn bị ký Nghị định thư cho 4 loại nông sản của Việt Nam, Ông có lưu ý gì cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp các HTX và bà con nông dân, thưa ông?
Việt Nam đã phấn đấu rất lâu dài để có được Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng sang Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội cho nông sản “xuất ngoại”, trên cơ sở điều kiện của các nhóm ngành như: rau quả, hạt điều. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng thúc đẩy theo thế mạnh và lợi thế của các thị trường quốc tế. Ví dụ như thị trường Trung Quốc đã có chuyển biến rất tích cực. Nhờ vậy mà các đối tượng xuất khẩu chính ngạch ngày càng mở rộng. Tới đây sẽ có 4 đối tượng gồm dược liệu, dừa tươi, hoa quả đông lạnh và dưa hấu sẽ chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Có thể từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ có cơ hội ký 4 Nghị định thư này. Việc ký các Nghị định thư này đã qua điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ năng lực rất kỹ càng và đã có các dự thảo văn kiện. Nếu chúng ta triển khai được thêm 4 nghị định thư này nữa thì tôi khẳng định, chúng ta có cơ hội đóng góp thêm vào kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2023 và những năm tiếp theo (Nghị đinh thư có hiệu lực trong 3 năm liên tục- PV).
Trên cơ sở điều kiện của các nhóm ngành như rau quả, hạt điều, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với địa phương, các hiệp hội ngành hàng thúc đẩy theo thế mạnh và lợi thế của các thị trường.
Về một số vướng mắc, hai bên đã cùng nhau nỗ lực tìm ra giải pháp tháo gỡ. Từ đó, nhấn mạnh các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần đặc biệt lưu ý đến chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng. Bên cạnh đó cũng cần lưu tâm đến các cơ sở đóng gói. Vì đây là thị trường có điều kiện thuận lợi thì chúng ta phải tranh thủ cơ hội để sơ chế, chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt các nghị định thư với Trung Quốc - thị trường to lớn 1,4 tỷ dân.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều địa phương, Bộ NNPTNT đã có những chỉ đạo gì để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, và nguồn cungg chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, thưa Ông?
Cách đây 2 tuần, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Với quyết tâm của Bộ NNPTNT, sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Thú y và các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố, chúng ta sẽ khống chế Dịch tả lợn châu Phi được trong thời gian tới.
Về phía Bộ NNPTNT cũng đã dự thảo Công điện về chống buôn lậu trâu, bò, lợn, gia cầm, cũng như việc triển khai tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh khác để đảm bảo an toàn, duy trì sự phát triển của đàn lợn nói riêng và của ngành chăn nuôi nói chung tại thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Về chuẩn bị nguồn cung thực phẩm trong Tết Nguyên đán năm 2024. Hiện nay, trên tổng đàn lợn cả nước đạt 28 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022; gia cầm 552 triệu con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, đàn bò thịt tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 chúng ta hoàn toàn yên tâm, kể cả có tăng 15-20%./.
Trân trọng cảm ơn Ông.